Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao 29

09:53 | 24/08/2016

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

- Thưa toàn thể Hội nghị,

Hôm nay, theo truyền thống, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII".

 Hội nghị rất vinh dự và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 tháng 11/2011 đến Hội nghị 29 lần này, đồng chí Tổng Bí thư đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc và động viên to lớn cho ngành Ngoại giao.

Hội nghị nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; các đồng chí nguyên Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao các thời kỳ và các cán bộ lão thành của Ngành Ngoại giao; các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương.

Tham dự Hội nghị có trên 700 đại biểu là các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao, cán bộ làm công tác ngoại vụ tại các địa phương.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là dịp chúng ta kiểm điểm triển khai công tác đối ngoại, đánh giá những việc làm được, những việc cần làm tốt hơn trong 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, rút ra kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổ chức quán triệt và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Nhìn lại thế giới và khu vực 5 năm qua, tình hình quốc tế có những diễn biến mới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường.

Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, biến động; tốc độ tăng trưởng toàn cầu liên tục giảm: năm 2014 tăng 3,4%, năm 2015 tăng 3,1%; năm 2016 dự báo còn khoảng 3%.

Tình hình chính trị - an ninh quốc tế chuyển động phức tạp hơn trong giai đoạn thế giới đang định hình một cục diện mới; các yếu tố gây bất ổn có xu hướng gia tăng, kể cả ở những khu vực trước đây vốn tương đối ổn định. Các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc thực dụng ngày càng nổi lên. Các vấn đề toàn cầu, thách thức an ninh phi truyền thống cũng diễn biến ngày càng gay gắt, vượt tầm xử lý của một quốc gia riêng lẻ. Tình hình Biển Đông căng thẳng, thay đổi cơ bản nguyên trạng so với trước. Môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta.

Thưa các đồng chí,

          Công tác đối ngoại của nước ta thời gian qua đã luôn kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đã chủ động đề xuất các giải pháp và tích cực triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao, nhất là 5 nhóm nhiệm vụ đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo cho ngành ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao 28.

          Cụ thể, được thể hiện trên các mặt sau:

Trước hết là mở rộng hợp tác và đưa các quan hệ đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng đan xen lợi ích và tăng tin cậy chính trị. Đến nay, về cơ bản ta đã tạo dựng khuôn khổ quan hệ với hầu hết các đối tác ưu tiên, quan trọng. Việc đưa các quan hệ đi vào chiều sâu đều được tiến hành có kế hoạch, lộ trình trước mắt và tầm nhìn lâu dài, trong đó chú trọng tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, hợp tác quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân.

Trong 5 năm (2011 – 2015), nước ta đã thiết lập thêm 8 quan hệ đối tác chiến lược và 3 quan hệ đối tác toàn diện, nâng tổng số các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 25 nước trong vòng 15 năm qua, trong đó có cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an/LHQ, 12/20 nước Nhóm G20.

Ta và các đối tác đã phối hợp củng cố hoặc thiết lập mới các cơ chế hợp tác; xây dựng Chương trình hành động hoặc Danh mục các hoạt động ưu tiên từng năm để cùng theo dõi, đôn đốc triển khai. Ví dụ như, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có đến 52 cơ chế hợp tác; Với Hoa Kỳ có 12 cơ chế đối thoại; Với Nga, ta thiết lập thêm Đối thoại Chiến lược ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Thứ trưởng Quốc phòng.

Việc xác lập các khuôn khổ quan hệ với các đối tác đã tạo cho ta vị thế đối ngoại thuận lợi hơn, tạo điều kiện để hợp tác chuyên ngành đi vào chiều sâu. Các đối tác này đều là các nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Xinh-ga-po; chúng ta đã ký thêm được gần 27 tỷ USD vốn ODA và vay ưu đãi, trong đó các đối tác đóng góp lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc; là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ đưa chủ trương hội nhập quốc tế đi vào cuộc sống; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên hầu hết các lĩnh vực.

Về kinh tế, trong 5 năm qua, ta đã vận động được 64 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trở thành một mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực, như FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại với EU, mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người và GDP trên 43 nghìn tỷ USD.

Thứ ba là quản lý tốt và xây dựng các đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; gìn giữ và tạo dựng môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.

Với Trung Quốc, hai nước đã thiết lập các cơ chế thực thi nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý biên giới, thành lập Ủy ban liên hợp biên giới đất liền; ký Hiệp định về hợp tác du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân. Ta đã hoàn thành đúng thời hạn công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới và hoàn tất hồ sơ pháp lý về biên giới với Lào; hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc phân giới cắm mốc với Căm-pu-chia.

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã theo dõi sát tình hình, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời tham mưu với Bộ Chính trị, kiên trì sử dụng các biện pháp  chính trị - ngoại giao, đấu tranh linh hoạt nhưng kiên quyết, kết hợp song phương và đa phương, thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp  phù hợp luật pháp quốc tế. Nhờ đó, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; duy trì môi trường khu vực hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.

 

Thứ tư là đối ngoại đa phương đã có những bước phát triển mới, chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của quốc tế theo phương châm chuyển từ "tham gia tích cực" sang “chủ động, đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, đảm bảo được các lợi ích thiết thân của ta tại các diễn đàn quan trọng như ASEAN, LHQ, APEC, ASEM. Có thể khẳng định Việt Nam đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và toàn cầu.

Việc ta được bầu với số phiếu rất cao vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và lần thứ hai  đăng cai tổ chức Cấp cao APEC năm 2017 đã cho thấy mức độ tin cậy và sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc gánh vác trách nhiệm chung.

Cũng với phương châm đó, trong 5 năm qua, nước ta đã đề xuất và triển khai 44 sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; ứng phó với thiên tai; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ năm là cùng với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, Ngoại giao Văn hóa tập trung triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”; tổ chức nhiều sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước.

Trên mặt trận Thông tin đối ngoại, ta đã tiến hành kế hoạch truyền thông từng bước, đưa ra các thông tin xác thực, có tính thuyết phục cao, dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo; giữ được tính chủ động trong đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng và triển khai tích cực theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, tham mưu xây dựng chủ trương chính sách, hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, góp phần củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước. Trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp, ta đã kịp thời bảo hộ công dân Việt Nam ở khu vực có thảm họa thiên tai, chiến sự (đã sơ tán hàng chục nghìn lao động ra khỏi khu vực chiến sự ở Lybia, hàng trăm gia đình ở U-crai-na; bảo hộ hàng nghìn ngư dân, tàu cá).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại vẫn có mặt cần chủ động hơn; công tác nghiên cứu có lúc chưa bắt kịp những thay đổi nhanh của tình hình; việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong một số sự việc còn thiếu nhịp nhàng và chặt chẽ, trong khi phát triển và hội nhập đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.

Thưa các đồng chí,

Những kết quả đối ngoại đạt được trong những năm qua, trước hết,  là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao mang tầm chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ban, ngành, địa phương vững vàng triển khai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại.

Sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương; sự quan tâm và đồng hành của nhân dân, các doanh nghiệp là những nhân tố quan trọng  phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.

Đó cũng là kết quả của trí tuệ tập thể và tinh thần vượt lên trên mọi khó khăn của cán bộ làm công tác đối ngoại; luôn sẵn sàng đảm nhiệm mọi nhiệm vụ khó khăn từ biên giới, hải đảo, những nơi chiến sự, bất ổn, bạo loạn ở các khu vực đến bàn đàm phán song phương, đa phương phức tạp, chỉ với một tâm niệm duy nhất là bảo đảm được lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.

Năm 2015, Bộ Ngoại giao đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý, Huân Chương Sao vàng lần thứ 2. Chúng tôi coi đây là sự ghi nhận nỗ lực chung của tất cả các cán bộ, chiến sỹ tham gia và đóng góp cho công tác đối ngoại trong cả nước.

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa chiến lược, bản lề trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, nhiệm vụ của công tác đối ngoại cũng nặng nề hơn với yêu cầu cao hơn nhằm thực hiện thắng lợi đồng thời các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra là: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới.

Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn với các đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững. Chúng ta cần nắm bắt kịp xu hướng đó, tận dung cơ hội to lớn để Việt Nam tranh thủ hợp tác, liên kết, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và vươn lên mạnh mẽ hơn.

Do đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao; nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế có tác động tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cách thức triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; kiến nghị những biện pháp hữu hiệu; cần đổi mới và sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể trong bối cảnh tiếp tục hội nhập sâu rộng, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; ngoại giao tiếp tục đóng vai trò là phục vụ tích cực cho phát triển; hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp; tạo thêm nhiều dư địa về đối ngoại cho hợp tác trên các lĩnh vực chuyên ngành khác; tìm kiếm thêm nguồn lực; đồng thời kiến tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị - an ninh trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và toàn cầu, đảm bảo lợi ích quốc gia-dân tộc.

Hội nghị cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng ngành và cán bộ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Bộ Ngoại giao cần có đồng thời 3 yếu tố là “biện pháp đúng đắn”, “bộ máy hiệu quả” và “người cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ”.

Hội nghị của chúng ta sẽ được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo công tác đối ngoại. Để Hội nghị làm việc đạt hiệu quả cao nhất, tôi đề nghị các đồng chí Đại biểu bám sát, quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, làm việc hết sức khẩn trương, tập trung, huy động cao độ sức mạnh của trí tuệ tập thể, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện khoa học trong thảo luận.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dồi dào sức khỏe. Chúc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 thành công tốt đẹp./.

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.