Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng tại Hội nghị của LHQ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam

17:58 | 07/03/2017

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, diễn ra tại Hà Nội ngày 7/3/2017.

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các vị đại biểu,

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chào đón tất cả quý vị đến từ các nước Châu Á, châu Âu, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực đã có mặt Hà Nội. Tôi hy vọng Quý vị có chuyến đi thú vị và cơ hội khám phá về lịch sử, vẻ đẹp và văn hóa Hà Nội.

Việt Nam vinh dự được phối hợp với Liên hợp quốc để tổ chức Hội nghị cấp cao quan trọng này nhằm thảo luận về các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển trong tăng cường kết nối khu vực và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thưa Quý vị,

Chúng ta đã bước vào năm 2017 với rất nhiều bất ổn. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thương mại toàn cầu suy giảm và chủ nghĩa hoài nghi về toàn cầu hóa trỗi dậy, đặt ra các thách thức lớn với nhiều quốc gia.

Năm 2017 cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc – một chương trình phát triển tham vọng, có tính chuyển đổi và toàn diện của người dân, vì người dân và do người dân. Chương trình nghị sự 2030 được hỗ trợ bởi chương trình Đối tác toàn cầu mới vì phát triển bền vững và được định hướng bởi các nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng khác biệt, và không để một ai, một nước nào bị lùi lại phía sau.

Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 và ủng hộ mạnh mẽ các mô hình quan hệ đối tác. Chúng tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia của các đối tác liên quan có ý nghĩa quyết định trong hỗ trợ tất cả các nước, trong đó có các nước trung chuyển và các nước không có biển, vượt qua các thách thức nội tại và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Chúng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng quan hệ đối tác và hợp tác dựa trên nền tảng bảo đảm lợi ích và tôn trọng lẫn nhau giữa các nước không có biển và các nước trung chuyển sẽ tiếp tục là con đường dẫn tới tương lai thịnh vượng chung.

Thưa Quý vị,

Từ kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng tôi nhận thức rõ được tầm quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và nhiều Hiệp định Thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định về tạo thuận lợi thương mại của WTO đã giúp cho hàng hóa của chúng tôi tiếp cận thị trường thế giới tốt hơn và dễ dàng hơn. Điều này đã góp phần quan trọng để chúng tôi đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 3000 km, Việt Nam cũng có những khu vực đồi núi hẻo lánh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong xây dựng các kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng. Do vậy, chúng tôi có thể hiểu được phần nào những khó khăn thách thức mà các nước đang phát triển không có biển phải đối mặt do những bất lợi về vị trí địa lý. Đối với Việt Nam, một trong các ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là kết nối chặt chẽ về kinh tế. Chúng tôi tin tưởng rằng thành công và thịnh vượng của các nước láng giềng sẽ đem lại những tác động tích cực đối với sự phát triển của chính mình, và giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Việt Nam đã tiến hành các bước đi cụ thể để tăng cường kết nối kinh tế và kết nối cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng, đặc biệt với nước Lào anh em, nước duy nhất không có biển trong khu vực, cả trong các khuôn khổ song phương và khu vực.

Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nước hạ lưu Mê Công phát triển các hành lang kinh tế nhằm kết nối vùng sâu vùng xa với các cảng biển quốc tế. Hành lang kinh tế Đông – Tây hướng tới kết nối các tỉnh nội địa của Mi-an-ma, Bắc Thái Lan, Lào và miền trung Việt Nam với cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và là một phần của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN. Một dự án hàng đầu khác của ASEAN là vận hành Cơ chế Một cửa ASEAN nhằm cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá qua biên giới.

Về song phương, Lào và Việt Nam đã triển khai mô hình “kiểm tra một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen-sa-vẳn thuộc Hành lang kinh tế Đông – Tây và sẽ áp dụng mô hình này tại tất cả các cặp cửa khẩu giữa hai nước. Hai nước cũng đang hợp tác để Lào có thể tiếp cận cảng biển Vũng Áng như là một cửa ngõ vào ASEAN và thị trường quốc tế. Lào và Việt Nam đã nhất trí xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại trong khu vực. Chúng tôi đánh giá cao các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính đã hỗ trợ chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển.  

Thưa Quý vị đại biểu,

Năm nay đánh dấu 40 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc. Với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Việt Nam đã đạt được các thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế và xã hội. Nhân dịp này tôi chân thành cảm ơn Liên hợp quốc về sự hỗ trợ và hợp tác quý báu trong 40 năm qua.

Về phía chúng tôi, Việt Nam đã cố gắng hết sức để đóng góp vào các hoạt động của Liên hợp quốc trong bốn thập kỷ qua, và sẽ nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi vinh dự tổ chức Hội nghị này nhằm thảo luận về các vấn đề không chỉ liên quan tới Việt Nam, các nước không có biển và các nước trung chuyển trong khu vực Á – Âu, mà cả nỗ lực chung của Liên hợp quốc thực hiện chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ, giúp thế giới chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững. Chúng ta cần hợp tác cùng nhau để giúp các nước không có biển trở thành các nước kết nối trên đất liền, để cùng nhau tiến lên và không bỏ lại ai phía sau.

Tôi xin chúc Hội nghị thành công.

Xin cảm ơn./.

 

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.