Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu dẫn đề của Phó Thủ tướng tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13

16:47 | 20/11/2017

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu dẫn đề của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 20/11/2017.

Thưa bà Chủ tọa,

Thưa các đồng nghiệp,

Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn nước chủ nhà và cá nhân Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar về sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị và sự đón tiếp nồng hậu dành cho đoàn Việt Nam.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của cục diện thế giới, chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững” và các nội dung thảo luận của Hội nghị là rất kịp thời.

Tôi muốn chia sẻ với Quý vị một số suy nghĩ để chúng ta cùng hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu.

Thứ nhất, như chúng ta đều biết, kể từ sau Hội nghị Cấp cao ở Ulaanbaatar, năm vừa qua là một năm đầy thử thách đối với hai khu vực và toàn thế giới. Cục diện khu vực và quốc tế tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và phức tạp hơn, thậm chí có những chuyển dịch, đem lại cả thời cơ và thách thức đan xen.

Đúng một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn song tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với mức trước khủng hoảng. Chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng. Liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem lại những hy vọng về năng suất lao động cao hơn, nhưng ngày càng nhiều quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi, sự suy thoái môi trường, sự phân bổ không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa.

Các nỗi lực hợp tác quốc tế tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, các mối đe dọa do xung đột và căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, thiên tai chưa từng có đang đặt ra cấp bách hơn. Những vấn đề mang tính liên ngành và đa chiều đòi hỏi những giải pháp ở tầm liên khu vực và đa tầng nấc.

Sau hai thập niên, ASEM đang đứng trước thời khắc chuyển đổi quan trọng. Diễn đàn đã phát triển vượt xa những kỳ vọng ban đầu, là khuôn khổ duy nhất thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai châu lục. Tuy nhiên, các cơ hội và thách thức đang nổi lên đòi hỏi ASEM cần tiếp tục đổi mới và khẳng định vị thế của mình trong cấu trúc toàn cầu đang định hình.

Thứ hai, bước vào thập niên thứ ba, đây là lúc chúng ta cùng xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương.

Trong thế giới toàn cầu hóa và số hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau gia tăng đòi hỏi phải tăng cường chủ nghĩa đa phương. Những thỏa thuận lịch sử như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu thể hiện tầm nhìn toàn cầu, gắn kết và đổi mới vì một thế giới
tốt đẹp hơn, đem lại những cơ hội hiếm có cho hợp tác quốc tế trong các thập niên tới. Chỉ bằng cách tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, ASEM mới có đủ khả năng thích ứng và đổi mới và nâng cao được vị thế toàn cầu.

Châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Bài học của hơn 70 năm qua cho thấy, hòa bình và ổn định luôn là điều kiện tiên quyết cho phát triển, hợp tác và thịnh vượng.

Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn nhằm giải quyết các thách an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng.

Là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, châu Á và châu Âu có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Chương trình Nghị sự 2030 không chỉ giúp ứng phó với những tác động tiêu cực của những xu hướng lớn như gia tăng dân số, dân số già và tốc độ đô thị hóa nhanh, mà còn là phương cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ xung đột và bạo lực cực đoan. 

Do đó, chúng ta cần biến cam kết thành hành động cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, giảm nghèo, kết nối toàn diện và chất lượng, phát triển các tiểu vùng và khu vực hẻo lánh, giáo dục chất lượng và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ và trẻ em. Cần gia tăng nỗ lực để hiện thực hóa cam kết về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng.

ASEM cũng cần tiếp tục khẳng định sự ủng hộ trước sau như một đối với việc thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Trong thời gian tới, chương trình nghị sự của ASEM cũng cần trao đổi các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, sự phát triển các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, sức cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa….

Thứ ba, hòa bình, ổn định, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững vẫn là xu thế lớn ở khu vực châu  Á – Thái Bình Dương. Năm nay, xu thế này càng được củng cố mạnh mẽ nhờ các kết quả thực chất của hợp tác đa phương trên mọi tầng nấc cũng như các thỏa thuận song phương mới về quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện và các hiệp định thương mại tự do.

Cách đây 10 ngày, các cam kết của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam đã khẳng định giá trị cốt lõi của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, cũng như sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương. Các nhà Lãnh đạo đã thông qua các biện pháp để giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với người dân và doanh nghiệp ở khu vực, bao gồm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Các Lãnh đạo cũng nhất trí xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Việc kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, triển vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) đã thêm tạo động lực mới cho liên kết kinh tế sâu rộng.

Với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong ASEM để gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững và xây dựng tầm nhìn cho Diễn đàn ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong
thập niên tới.

Trong nỗ lực đó, Việt Nam, cùng với Mianma, Ốt-xtrây-lia, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Italia và Hà Lan, sẽ đồng tổ chức “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững” vào năm tới.

Chỉ bằng những sáng kiến và hành động chung, chúng ta mới có thể biến các chính sách thành các kết quả cụ thể, để các thỏa thuận mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Cảm ơn các Quý vị./.



Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.