Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Tương lai thế giới phụ thuộc vào hành động và thiện chí

14:57 | 04/06/2015

(Chinhphu.vn) – Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hướng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, diễn ra sáng 4/6 tại tỉnh Bến Tre.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Thưa các vị khách quý,

1. Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Đối thoại lần thứ 4 về phát triển bền vững của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) về “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015”.

Sự tham dự đông đảo của quý vị thể hiện quyết tâm của tất cả chúng ta, các thành viên ASEM, hành động mạnh mẽ hơn trong quản lý bền vững tài nguyên nước – nội hàm quan trọng của Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 mà cộng đồng quốc tế đang chung tay xây dựng.

Thưa các Quý vị,

2. Nước là khởi nguồn của sự sống. Thành bại của mỗi quốc gia trong sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước không chỉ quyết định tương lai của dân tộc đó, mà còn tác động đến vận mệnh chung của toàn khu vực. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về vấn đề nước trên thế giới đang nổi lên nhiều gam màu xám.

Báo cáo của Liên hợp quốc về Phát triển nguồn nước thế giới năm 2015 nêu rõ, những thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước. Nếu không tìm ra lời giải cho thách thức đó, những thành quả phát triển của toàn nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi.

Một thực trạng đáng báo động là gần 750 triệu người, khoảng hơn 1/10 dân số thế giới, vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mê Công và Đa-nuýp ngày càng gay gắt.

Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu, tại các thành phố lớn như Băng Cốc, Viêng chăn, thành phố Hồ Chí Minh trở nên trầm trọng hơn.

Cùng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.

Những năm vừa qua, chúng ta còn chứng kiến những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu.

Đó là những trận lụt lịch sử ở Thái Lan các năm 2011 và 2012, ở  châu Âu năm 2013, hạn hán ở Trung Quốc năm 2014, và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ và nhiều quốc gia. Ngay tại tỉnh Bến Tre này, nước mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập sâu vào các con sông lớn, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân.

3. Thực tế đáng buồn đó thúc giục chúng ta phải hành động. Ngay trong năm nay, cộng đồng quốc tế phải hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và hoàn tất xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Trong đó, vấn đề “bảo đảm nguồn cung ứng và quản lý bền vững nguồn nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” trở thành một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự quan trọng này.

Thưa các Quý vị,

4. Là một trong những quốc gia cung ứng nông sản hàng đầu thế giới, an ninh nguồn nước của Việt Nam gắn liền với an ninh lương thực của thế giới.

Chính tại Bến Tre, nơi chúng ta đang có mặt hôm nay, là tỉnh nằm trong trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, nhưng cũng là điển hình của địa phương ở hạ nguồn Mê Công chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm mặn nghiêm trọng.

Nhận thức rõ điều đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước Ủy hội sông Mê Công  Quốc tế (MRC) trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công cũng như xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.

Việt Nam luôn coi trọng và cam kết gia tăng mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững. Sự hợp tác của các bạn sẽ góp phần giúp chúng tôi thực hiện thành công "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020" và "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”.

Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Diễn đàn nước Thế giới, Mạng lưới cộng tác nước toàn cầu, Tổ chức lưu vực sông quốc tế... Tháng 4/2014, Việt Nam tự hào trở thành nước thứ 35 phê chuẩn Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, làm Công ước đủ điều kiện đi vào hiệu lực sau 17 năm kể từ khi được thông qua.

Tháng 4/2015 vừa qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên Liên minh Nghị viện thế giới thông qua Nghị quyết thúc đẩy hành động về vấn đề nước tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ở Hà Nội.

Thưa các Quý vị,

5. Kể từ khi sáng kiến ASEM về quản lý bền vững nguồn nước được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 10 ở Godollo, Hungary năm 2011, chúng ta có thể tự hào ASEM đã và đang đóng góp vào nỗ lực quản lý tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững.

Nổi bật là việc tổ chức định kỳ Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, tại Budapest, Cần Thơ, Tulcea, Bến Tre và sắp tới là Ruse, gắn kết chặt chẽ với hợp tác quản lý bền vững tài nguyên nước. Đó là sự thể hiện sinh động cách tiếp cận đúng hướng và tầm nhìn của ASEM về vấn đề nước.

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng, dự án cụ thể về bảo vệ nguồn nước và phát triển bền vững của các thành viên ASEM.

Có thể kể đến “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc, các sáng kiến về ứng dụng công nghệ trong quản lý nước của Ấn Độ, quản lý nước thải của Singapore. Đây là những đóng góp thiết thực, cụ thể của ASEM trong lĩnh vực này.

Tại Hội nghị cấp cao ASEM 10 ở Mi-lan tháng 10 năm 2014, các nhà Lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, “thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực chung để quản lý bền vững nguồn nước, gồm quản lý tổng thể lưu vực sông, kiểm soát
nguy cơ lũ lụt và bảo đảm tiếp cận nước sinh hoạt và vệ sinh an toàn”.

Nhưng trên hết, chúng ta cần biến lời nói và những cam kết kể trên thành hành động cụ thể. Chỉ còn 113 ngày nữa đến Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Và cũng chỉ còn 179 ngày tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21).

Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Thời gian không đợi chúng ta nữa. Đây chính là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại hai Hội nghị quốc tế hết sức quan trọng này.

6. Với tinh thần đó, tại Hội thảo này, tôi mong các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề sau:

Một là, cần thống nhất trong nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Tôi cho rằng, việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững, hiệu quả nếu được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia.

Hai là, cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước. Chúng ta cần sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động. Đồng thời, chúng ta cần gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm và giảm nghèo.

Ba là, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, những điển hình tốt và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý bền vững tài nguyên nước, kể cả trong sử dụng, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia. Trong đó, cần tổ chức Tọa đàm ASEM trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục. Thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, trong đó có hợp tác Mê Công – Đa-nuýp. Cần khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công – tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch trong quản lý và sử dụng nguồn nước,nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumania.

Bốn là, cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước.

Trước hết, cần phát huy vai trò của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể. Tôi mong rằng các thành viên phát triển của ASEM sẽ tích cực hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển như Việt Nam trong việc giám sát tài nguyên nước.

Thưa các Quý vị,

7. Nhiều người đã dự đoán rằng nếu như nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 là dầu mỏ, thì đến thế kỷ 21 sẽ là nước. Tôi có suy nghĩ hoàn toàn khác. Tương lai của thế giới ra sao sẽ được định hình bởi hành động và thiện chí hợp tác của chúng ta ngày hôm nay.

Hai mươi năm qua, ASEM đã chứng tỏ là Diễn đàn quan trọng để các thành viên Á – Âu tăng cường đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Trong 20 năm tới, liệu ASEM có tiếp tục phát huy được vai trò quan trọng đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và hành động của chúng ta trong việc xử lý vấn đề quản lý bền vững tài nguyên nước, một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.

Những gì chúng ta trao đổi tại Hội thảo lần này và nhiều sáng kiến, dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 sắp tới ở Luxembourg và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulanbaataar vào năm sau. Đây cũng là đóng góp quan trọng của ASEM cho các Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại New York và Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris.

Chỉ bằng cách chung tay hành động, chúng ta mới có thể dành cho con cháu chúng ta một tương lai tốt đẹp và phồn vinh.

Xin trân trọng cảm ơn./

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.