Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen “kịp thời, có ý nghĩa quan trọng”

20:26 | 23/12/2016

(Chinhphu.vn) – Chuyên gia cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen từ ngày 20-21/12 là chuyến thăm “kịp thời, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và  Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Video clip

Như tin đã đưa, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; thăm TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai...

Nhân dịp này, hai nước đã ra Tuyên bố chung và ký kết 3 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Trao đổi với Báo điện tử về kết quả chuyến thăm, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen là chuyến thăm “kịp thời, có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia”.

Sở dĩ chuyến thăm được đánh giá là “kịp thời” bởi diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang có những diễn biến phức tạp. Việc hai bên ra Tuyên bố chung và ký kết những thỏa thuận hợp tác cụ thể là những dấu hiệu cho thấy hai bên chia sẻ nhận thức chung rằng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng đối với hai nước”.

Ông Thái cho rằng hai bên đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương như việc giải quyết giấy tờ cho người Việt Nam ở Campuchia, công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia, vấn đề cắm mốc và thương mại biên giới, vấn đề Biển Đông… và đã đạt được những kết quả cụ thể.

Ví dụ, việc hai bên ký thỏa thuận hợp tác về tương trợ tư pháp và chuyển giao người bị kết án tù là minh chứng thể hiện sự gần gũi, thân thiết, tin cậy giữa hai nước.

Thỏa thuận hợp tác trên là “tín hiệu rất tích cực”, là “thông điệp mạnh mẽ” bởi từ nay trở đi tội phạm ở Việt Nam muốn trốn qua Campuchia và từ Campuchia đi bên thứ ba sẽ không còn 'đất' nữa, sẽ bị trả về và xét xử tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, hợp tác giữa các địa phương được duy trì tốt, là nền tảng rất quan trọng để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh, là nhân tố để duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững trong quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Với ý nghĩa đó, Thủ tướng hai nước đã nhất trí giao các Bộ liên quan của hai nước đàm phán sớm thống nhất các nội dung còn vướng mắc để sớm ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia.

Hợp tác về an ninh quốc phòng cơ bản được duy trì, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, giao lưu các cấp, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam. Hai bên cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để đe dọa an ninh của nước kia, giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.

Vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên cam kết phối hợp cùng nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC).

Theo ông Thái, đây là những nội hàm then chốt trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông, phù hợp với xu thế chung và lợi ích chung của khu vực.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen, cùng với các chuyến thăm Campuchia của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục góp phần xây dựng lòng tin ở cấp cao để quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định và hợp tác vẫn là dòng chủ đạo trong quan hệ hai nước.

Việc hai nước ra Tuyên bố chung, ký kết những thỏa thuận hợp tác còn là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia.

Nhìn chung, khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Campuchia được duy trì một cách nhất quán, quan hệ hai bên “cân bằng, ổn định, có lợi cho cả hai phía” theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

 
Hải Minh
Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.