Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Còn nhiều dư địa trong quan hệ Việt Nam với các nước lớn

14:46 | 23/08/2016

(Chinhphu.vn) – Phát biểu tham luận của Đại sứ Việt Nam tại các nước Nga, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đều có chung đánh giá quan hệ của Việt Nam với các đối tác này còn nhiều dư địa cần tiếp tục được khai thác.

Quang cảnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Ảnh: VGP/Hải Minh

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn cho biết Việt Nam luôn được lãnh đạo Nga coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại ở châu Á-Thái Bình Dương và Nga ủng hộ việc tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Phía Nga thể hiện tình cảm đặc biệt đối với mối quan hệ với Việt Nam và hai bên đều cho rằng còn nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ về kinh tế, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) được ký ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đánh giá, trong thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đang có đà phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, đặc biệt với chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tháng 6/2016.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh hệ Việt Nam, Hoa Kỳ đang có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Về kinh tế, hiện nay Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam, với các sản phẩm thế mạnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy hải sản…

Sau khi Hiệp định TPP được phê chuẩn, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế-thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn nhiều so với các nước khác có cùng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như Sri Lanka, Bangladesh.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Hoa Kỳ có những thế mạnh mà Việt Nam cần phải tranh thủ nhiều hơn, đó là khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, năng lượng sạch, giáo dục, y tế…

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nhìn nhận quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế và phát triển. Hai nước còn rất nhiều tiềm năng có thể và cần tập trung khai thác tốt hơn nữa để phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.

Về vốn và công nghệ, Nhật Bản tiếp tục cam kết duy trì ODA ở mức cao và ổn định cho Việt Nam, mỗi năm trên 2 tỷ USD, tập trung vào hầu hết các lĩnh vực thiết yếu trong nền kinh tế. Các bộ, ngành Việt Nam cần chủ động trong làm việc với các đối tác Nhật Bản, đồng thời có thông tin cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng các nguồn vay này qua hình thức đối tác công-tư.

Trong lĩnh vực công nghiệp, từ tháng 7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030”. Vấn đề cốt lõi là cần thu hút được các doanh nghiệp tư nhân của cả hai nước vào cùng tham gia xây dựng lộ trình, kế hoạch hành động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chủ động vào Việt Nam hợp tác phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Về giáo dục, Việt Nam cần tận dụng tốt nguồn nhân lực được đào tạo tại Nhật Bản với 80.000 thực tập sinh và lao động, 50.000 lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm xử lý vấn đề môi trường trong bối cảnh Nhật Bản là nước có ngành công nghiệp thép phát triển, đứng thứ hai thế giới cả về sản lượng thép thô (trên 100 triệu tấn/năm) và lượng thép xuất khẩu (45 triệu tấn/năm).

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam đang có nhiều tiến bộ, tuy nhiên Việt Nam cần tập trung vào những dự án trọng điểm hợp tác giữa hai bên.

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã làm việc trực tiếp với Chính phủ Đức và nhận được lời cam kết sẽ giải quyết các vướng mắc và thúc đẩy hợp tác song phương mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trong những năm tới, hợp tác giữa 2 nước sẽ có thay đổi đáng kể nhờ những bước tiến gần đây trong quan hệ Việt-Đức. Vì thế, Việt Nam cần thể hiện rõ quyết tâm để tạo nên những thay đổi nhất định trong hợp tác kinh tế thương mại hai bên./.

Hải Minh
Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.