Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Điểm nhấn ngoại giao đa phương năm 2016

20:22 | 23/12/2016

(Chinhphu.vn) – Trong năm 2016, ngoại giao đa phương không ngừng được đổi mới toàn diện, mở rộng và đi vào chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của công tác đối ngoại với nhiều thành quả nổi bật.

Đây là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng XII với định hướng đối ngoại “chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”.

Công tác đối ngoại đa phương chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.  

Chủ động tham gia vào ASEAN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan trong 3 ngày từ 6-8/9 tại thủ đô Vientiane, Lào.

Tại tất cả 11 Hội nghị Cấp cao, người đứng đầu Chính phủ đều có các phát biểu quan trọng, chia sẻ các đánh giá đồng thời đề xuất phương hướng và biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, cũng như quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong năm 2016, Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp cho thành công chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ từ ngày 15-16/2 và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Nga từ ngày 19-20/5/2016 tại Sochi, Liên bang Nga.

Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, đoàn Việt Nam đã đề xuất hai sáng kiến về việc lập Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) Trần Việt Thái bình luận sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ hồi tháng 2/2016 là bước triển khai đầu tiên đường lối đối ngoại của Đại hội XII, cho thấy Việt Nam kiên định chính sách hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của kênh ngoại giao đa phương trong việc thúc đẩy các lợi ích quốc gia trong quan hệ song phương với các đối tác. 

Trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ tham dự một Hội nghị Cấp cao của ASEAN với đối tác là Liên bang Nga đã thể hiện mạnh mẽ mong muốn và vai trò trách nhiệm của Việt Nam tham gia đóng góp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và tiến bộ ASEAN-Nga.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều ý kiến để quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ ASEAN-Nga ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng lợi ích của hai bên và phù hợp với thế mạnh của cả Nga và ASEAN. 

Phát huy vai trò tại các cơ quan Liên Hợp Quốc

Năm 2016 đánh dấu Việt Nam hoàn thành xuất sắc tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) (nhiệm kỳ 2014-2016). Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ cùng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, chúng ta đã thể hiện được vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong vấn đề thúc đẩy quyền con người và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 18/7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh là đại diện lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế​-Xã hội LHQ (ECOSOC) mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên nhiệm kỳ 2016-2018. Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của ECOSOC và thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững một cách nghiêm túc và với quyết tâm chính trị cao nhất.  

Với số phiếu 120/191, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ ngày 4/11. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên được bầu vào một diễn đàn pháp lý quốc tế rất có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình bên cạnh nhiều diễn đàn đa phương khác.

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam cho biết Việt Nam đang là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017). Với việc được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO, Việt Nam đã trở thành thành viên của hai cơ quan quyền lực nhất của UNESCO. Chính vì vậy, “có thể nói chưa bao giờ vị thế của Việt Nam ở UNESCO lại cao đến như vậy”, ông Châu nhấn mạnh.

Bước chuẩn bị APEC Việt Nam 2017

Trong năm 2016, các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho Năm APEC Việt Nam 2017, trong đó có chủ đề, các ưu tiên, sáng kiến…, chủ động phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà APEC 2016 là Peru và APEC 2018 là Papua New Guinea cũng như với Ban Thư ký quốc tế APEC để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các thành viên, đồng thời đóng góp vào các quan tâm chung và từng bước thúc đẩy các quan tâm của Việt Nam. 

Ngày 21/11, tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng về định hình hướng đi cho APEC sau năm 2020 thông qua “Quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”.

Lần đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Ngày 27/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mie, Nhật Bản theo lời mời từ Thủ tướng "đất nước mặt trời mọc" Shinzo Abe.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của Nhật Bản và các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, vai trò và tinh thần trách nhiệm của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế.

* Ngoài ra, trong năm 2016, Việt Nam cũng chủ động đăng cai và tham dự nhiều kênh ngoại giao đa phương trong khu vực cũng như quốc tế khác.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS-7), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF-Mekong) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24-26/10.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37) diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar từ ngày 30/9-3/10 và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 của khối các nước có sử dụng Pháp ngữ, Francophonie ngày 26/11 tại Thủ đô Antananarivo, Madagascar.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) ngày 23-24/11 tại Siem Reap, Campuchia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 22-24/3 tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc; Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết (NAM) tại đảo Margarita (Venezuela) ngày 17/9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo, Nhật Bản.

Hương Giang (tổng hợp)

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.