Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Duy trì vai trò trung tâm đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết

17:41 | 06/07/2016

(Chinhphu.vn) - Lịch sử phát triển của ASEAN cho thấy rõ vì can đảm vượt lên sự nghi kỵ, khác biệt mà các nước ASEAN đã xây dựng được một tổ chức khu vực được thừa nhận là thành công nhất của các nước đang phát triển, có quan hệ đối thoại với tất cả các cường quốc trên thế giới.

Nếu đứng riêng rẽ, GDP của từng nước ASEAN còn có khoảng cách rất xa so với các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu. Còn khi là một tổ chức, ASEAN có dân số khoảng 616 triệu, tổng GDP trên 2.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2010, ASEAN là địa chỉ đầu tư của 227 doanh nghiệp lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 1.068 tỷ USD, xếp thứ 7.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ qua email, ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông cho rằng: Là một thị trường thống nhất, ASEAN sở hữu quyền mặc cả và ảnh hưởng to lớn trong quan hệ kinh tế với các cường quốc bên ngoài.

ASEAN còn sở hữu không gian địa chính trị quan trọng vì là điểm kết nối giữa Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương thông qua con đường hàng hải qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh điều này.

ASEAN đã và đang xây dựng một khu vực tự chủ thông qua Tuyên bố về khu vực hoà bình, tự do, trung lập (ZOPFAN) năm 1971 và quan trọng hơn là thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 1976. Hơn nữa, ASEAN đã thông qua Hiến chương năm 2008 đồng thời thúc đẩy tính liên kết khu vực thông qua Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 gồm ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

ASEAN cũng thúc đẩy vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực bằng việc sáng lập Diễn đàn khu vực năm 1994-1995, Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2005 (sau đó được mở rộng) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng năm 2010, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng năm 2012.

Một ví dụ nữa là năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), cho thấy các nước ASEAN đều quan tâm và thể hiện quan điểm chung đối với vùng biển này.

Trong bối cảnh Tòa Trọng tài (tại La Haye, Hà Lan) sắp ra phán quyết theo Phụ lục VII, chuyên gia Carl Thayer nhấn mạnh: Điều quan trọng là ASEAN có quan điểm chung đề cao luật pháp quốc tế để duy trì Biển Đông hòa bình và an toàn. ASEAN cần thúc giục Trung Quốc nhiều hơn để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) quy định hành vi của các quốc gia trên Biển Đông. Hơn nữa, ASEAN cần đi đầu trong việc thúc đẩy phi quân sự hóa Biển Đông.

Ông Carl Thayer cho hay trong phát biểu gần đây tại Canberra (Australia), Kishore Mahbubani, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore dự báo cạnh tranh giữa các cường quốc có thể khiến ASEAN suy yếu.

Chính vì thế mà Greg Polling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) cho rằng để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực, ASEAN phải đóng “một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ những chuẩn mực của hòa bình và ổn định như đã cam kết, trong đó bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (1982)”.

Còn theo ông Carl Thayer, ASEAN cần phải ngồi ở “ghế lái”, chi phối định hướng của các cơ chế an ninh như ARF, ADMM mở rộng và Cấp cao Đông Á để cùng hưởng lợi trong quan hệ với các cường quốc. Các cường quốc có thể theo đuổi lợi ích của mình và cân bằng lẫn nhau để tránh khả năng một cường quốc chi phối ASEAN.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, có một nền tảng vững chắc để các nước ASEAN hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa một số nước thành viên với Trung Quốc trên Biển Đông - con đường hàng hải quốc tế quan trọng mà ASEAN và các nước khác không thể không quan tâm.

Đoàn kết để vượt qua khác biệt đã giúp ASEAN trở thành một tổ chức được thừa nhận là thành công như ngày nay và tương lai của Cộng đồng ASEAN không thể tách rời từ “Đoàn kết”, đặc biệt là các vấn đề an ninh và phát triển.

Hải Minh

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.