Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Nét chính hoạt động đối ngoại tháng 7

08:38 | 07/08/2014

Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế là những nét chính trong hoạt động đối ngoại tháng 7/2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế". Ảnh: VGP


Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia

Ngay sau khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, ngày 16/7 tại cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Cũng trong ngày 16/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hai văn bản nói rõ lập trường chính thức của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã đề nghị Tổng Thư ký Ban ki-moon lưu hành hai văn bản trên như là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ (Khóa 68).

Trong tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tiến hành họp tham khảo chính trị với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Singapore.

Tại các cuộc họp trên, hai bên đều chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp ở Biển Đông; đề cao vai trò và các nguyên tắc của ASEAN đã được khẳng định tại Tuyên bố 6 điểm và Tuyên bố ngày 10/5/2014 của ASEAN về vấn đề Biển Đông; nhất trí cùng các nước ASEAN khác tăng cường trao đổi để thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực thúc đẩy để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); xây dựng lòng tin; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước

Từ ngày 2-3/7, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. Del Rosario đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Hai bên đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác song phương, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch, hợp tác biển và đại dương, hợp tác về nghề cá.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN phải đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế; kêu gọi cộng đồng quốc tế phê phán, phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, yêu cầu Trung Quốc thực thi nghiêm túc DOC tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gặp Thượng nghị sĩ John McCain tại Trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 22/7 (giờ địa phương). Ảnh: TTXVN

Từ ngày 21-23/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ.

Tại Washington DC, ông Phạm Quang Nghị đã có các cuộc làm việc với Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng John Kerry, ông Thomas Shannon; Phó Cố vấn an ninh quốc gia phụ trách đối ngoại Tony Blinken; Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy và Thượng nghị sỹ John McCain.

Tại các cuộc gặp gỡ, ông Phạm Quang Nghị đã điểm lại tình hình diễn biến ở Biển Đông trong thời gian qua, nêu bật quyết tâm, chủ trương, biện pháp đấu tranh hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời hết sức coi trọng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; giữ gìn và củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước.

Ông Phạm Quang Nghị cũng khẳng định Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Czech Lubomír Zaorálek

Từ ngày 22- 26/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan và Cộng hòa Czech.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và lãnh đạo hai nước Ba Lan, Czech đã tập trung thảo luận và đạt được sự nhất trí chung về những phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục-đào tạo, quốc phòng,bảo vệ môi trường; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại LHQ và ASEM.

Ngày 30/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam–Pháp như tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, xây dựng, cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục–đào tạo, trao đổi văn hóa và hoan nghênh thành công của Năm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan, Czech; điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trao đổi và nhận được sự ủng hộ của các nước về lập trường của Việt Nam trong giải quyết về vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thúc đẩy hợp tác với các khu vực và tổ chức quốc tế

Cũng trong tháng 7, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Jim Yong Kim cho rằng Việt Nam đã kết hợp rất tốt mục tiêu xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường; khẳng định WB rất tự hào là đối tác của Việt Nam, mong muốn tiếp tục hỗ trợ và hợp tác tốt với Việt Nam trong thời gian tới; bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam.

Từ ngày 22-23/7 tại Brussels (Bỉ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20 (AEMM-20).

Đoàn Việt Nam đã đề xuất các định hướng ưu tiên cho việc đưa quan hệ hai bên phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới, khuyến khích EU tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tích cực đóng góp vào hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng ASEAN và EU cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất các FTA song phương giữa EU và các nước ASEAN.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đức, Đan Mạch và Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước và Đại diện cấp cao EU khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU và kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Cuối tháng 7, tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hàn Quốc lần thứ 4 tổ chức tại Hàn Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối hạ tầng, năng lực hậu cần và phát triển nguồn nhân lực đối với sự phát triển của khu vực tiểu vùng Mekong; đồng thời chia sẻ quan điểm cần quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực, nhấn mạnh phát triển kinh tế cần gắn liền với bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và nguồn nước sông Mekong nói riêng.

Tuấn Dũng (tổng hợp)

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.