Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Tầm quan trọng của hai chuyến thăm cấp cao

14:45 | 06/09/2016

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Pháp ngay trong những ngày đầu tháng 9 là minh chứng cho sự thành công của chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời các mối quan hệ đối tác chiến lược cần thường xuyên được rà soát và củng cố vì lợi ích song phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp François Hollande duyệt Đội danh dự. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến của chuyên gia am hiểu về Việt Nam Carl Thayer khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ qua email.

Việt Nam lần đầu tiên đón Thủ tướng Ấn Độ sau 15 năm, trong khi ông Hollande thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Việt Nam sau 12 năm.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với 12 thỏa thuận được ký kết, phản ánh bản chất mối quan hệ rộng mở của hai nước.

Ấn Độ cũng đã cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD, một bước tiến đáng chú ý trong quan hệ quốc phòng và an ninh song phương.

Quan hệ đối tác chiến lược với Pháp được thiết lập muộn hơn (năm 2013) so với Ấn Độ (năm 2006). Trong chuyến thăm của Tổng thống Francois Hollande, hai bên dự kiến ký 20 văn kiện hợp tác. Điều này phản ánh mối quan hệ rộng của hai nước trong những lĩnh vực như chính trị ngoại giao, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, tư pháp, biến đổi khí hậu, ông Carl Thayer đánh giá.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng nói, quan hệ hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp. Nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được thỏa thuận nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực này.

Pháp nổi lên là một trong những nước có vai trò trong các vấn đề khu vực. Tại Diễn đàn Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói rằng ông sẽ đề nghị các nước châu Âu tham gia cùng Pháp trong việc duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi duyệt Đội danh dự. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Pháp Hollande cho thấy các nước này quan tâm đến Biển Đông, nhất trí cho rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các bên đều nhất trí không quân sự hóa Biển Đông và tự do hàng hải, hàng không không thể bị cản trở.

Theo ông Carl Thayer, cả hai chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Pháp là minh chứng cho sự thành công của chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời các mối quan hệ đối tác chiến lược cần thường xuyên được rà soát và củng cố vì lợi ích song phương.

Các chuyến thăm cấp cao này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa thăm Singapore và Brunei, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thăm Trung Quốc.

Hải Minh

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.