Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Tăng cường đưa cán bộ ngoại giao vào các thiết chế pháp lý tài phán quốc tế

14:09 | 24/08/2016

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thực hiện việc đưa các cán bộ pháp lý trẻ, có năng lực vào các tổ chức pháp lý quốc tế, các thiết chế tài phán quốc tế trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về công tác đào tạo cán bộ ngoại giao trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Thưa Thứ trưởng, công tác đào tạo bồi dưỡng của ngành ngoại giao có những điểm gì mới trong thời gian qua?

Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã thông qua nhiều định hướng đối ngoại quan trọng, trong đó nhấn mạnh sự chủ động tích cực hội nhập quốc tế và đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Để triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 22. Các định hướng và chương trình công tác đối ngoại kể trên đã đặt công tác của Bộ Ngoại giao trước những nhiệm vụ và thử thách mới. Bộ Ngoại giao phải đi đầu trong quá trình hội nhập chính trị đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao cũng phải hội nhập thông qua việc chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng và các quy trình làm việc.

Ngoài ra quá trình đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu đòi hỏi một sự nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về các đối tác, nâng cao hiệu quả quá trình xây dựng và triển khai chính sách với các đối tác để nâng cao mức độ đan xen lợi ích, làm cho các cơ chế hợp tác hoạt động hiệu quả và gia tăng mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác với ta, và nhất là nâng cao trình độ của cán bộ ngoại giao có đủ năng lực triển khai các nhiệm vụ kể trên.

Bộ Ngoại giao đã xây dựng và duyệt Đề án Chương trình tổng thể đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngoại giao giai đoạn 2012-2015. Đề án được triển khai tốt, hiệu quả và được gia hạn tiếp cho giai đoạn từ 2016-2020.

Quá trình triển khai Đề án đã làm nổi bật những điểm mới về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngoại giao.

Cụ thể, thứ nhất, công tác đào tạo bồi dưỡng đã đi vào nề nếp, quy củ, gắn chặt với nhu cầu công tác của Bộ, mang lại hiệu quả thực chất. Các khóa đào tạo bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại, ngoại ngữ đã được thiết kế phù hợp với từng đối tượng, cấp bậc vị trí công tác. Các loại hình đào tạo kiến thức, kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao, chuyên sâu đã được chú trọng, triển khai đào tạo thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã gắn quy chế đề bạt, thi đua, khen thưởng, luân chuyển cán bộ với công tác đào tạo bồi dưỡng. Điều này tạo thêm động lực và trách nhiệm cho cán bộ ngoại giao đối với việc tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn.

Thứ hai, các chương trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng đã được cải tiến mạnh mẽ cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Về nội dung, các khóa học, tập trung vào việc bổ sung, cập nhật các kiến thức mới trong quan hệ quốc tế như phát triển mới trong cục diện chính trị-an ninh, kinh tế của khu vực và thế giới, xu hướng vận động trong quan hệ các nước lớn, các mô hình tăng trưởng mới, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới… Các chương trình đào tạo bồi dưỡng cũng tập trung bồi dưỡng một số kỹ năng đối ngoại thiết yếu như đàm phán và vận động hành lang, thuyết trình, nghiên cứu cơ bản và động thái, xây dựng và duy trì mạng lưới quan hệ, quản lý lãnh đạo, đối ngoại đa phương, viết diễn văn, lễ tân đối ngoại và ngoại ngữ…

Về phương pháp giảng dạy, lối học truyền thống, thụ động đã dần được thay bằng phương pháp đào tạo hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Các khóa học đều tăng cường hình thức làm việc theo nhóm, thảo luận, tương tác giữa học viên với giảng viên, học viên với học viên. Các chương trình đã thường xuyên được cập nhật, cải tiến dưới sự tham vấn, hỗ trợ của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam, các cán bộ ngoại giao đương chức hoặc nghỉ hưu đang làm việc trong và ngoài nước. Bộ đã mời các nhà ngoại giao cao cấp, giàu kinh nghiệm như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, các Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị của Bộ tới đào tạo kiến thức, kỹ năng đối ngoại nêu trên.

Thứ ba là mở rộng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại các bộ, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao đã chủ trì biên soạn Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế”.

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2015. Theo đó, Bộ Ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc chủ trì, tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng dành cho công chức viên chức các bộ, ngành, địa phương làm công tác đối ngoại. Đây là một trách nhiệm mới về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Thứ tư, hợp tác với các đối tác quốc tế về đào tạo bồi dưỡng được triển khai mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tiến hành giúp Bộ Ngoại giao Lào đào tạo biên dịch, phiên dịch và kiến thức kỹ năng về đối ngoại.

Bộ Ngoại giao cũng mời các diễn giả là học giả, quan chức cấp cao có uy tín đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Bỉ, Pháp, giảng dạy về các kiến thức, kỹ năng công tác đối ngoại cho công chức viên chức của Bộ.

Đặc biệt, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với phía Bộ Ngoại giao Singapore nâng cấp Trung tâm đào tạo Việt Nam-Singapore thành Trung tâm hợp tác Việt Nam-Singapore, vừa duy trì các loại hình đào tạo hiện có, vừa hỗ trợ các hoạt động hợp tác văn hóa, kinh tế, và các lĩnh vực khác giữa hai nước.

Hội nhập đồng nghĩa với việc nghiêm chỉnh tuân thủ và tham gia xây dựng luật chơi chung, cán bộ ngoại giao, đặc biệt là cán bộ pháp lý cần được trang bị những kỹ năng cần thiết nào? Hiện công tác đào tạo đang được Bộ triển khai ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Để tham gia vào luật chơi chung của hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là điều kiện không thể thiếu. Do vậy đa số cán bộ Bộ Ngoại giao nói chung và cán bộ pháp lý nói riêng đều giỏi ít nhất một ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ được liên tục nâng cao qua công tác và tự trau dồi hàng ngày.

Để nâng cao và chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ, hằng năm Bộ Ngoại giao tổ chức các kỳ thi sát hạch trình độ ngoại ngữ, tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Pháp tại Học viện Ngoại giao (mỗi khóa kéo dài trung bình 3 tháng), đồng thời cử cán bộ đi học tại các trung tâm đào tạo trong nước như Trung tâm đào tạo Việt Nam-Singapore. Bên cạnh đó Bộ cũng cử cán bộ tham dự các khóa học ngoại ngữ ở nước ngoài như học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc và các ngoại ngữ khác.

Bên cạnh đó, các chuyên đề về pháp lý như Hiệp định TPP, giải quyết tranh chấp Biển Đông đã được Bộ Ngoại giao đưa vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng dưới hình thức tọa đàm và nói chuyện chuyên đề. Bộ cũng đã đưa các nội dung liên quan tới luật biển, biên giới lãnh thổ, luật nhân quyền quốc tế, luật ngoại giao lãnh sự, luật thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, luật môi trường quốc tế vào các lớp dành cho cán bộ đi công tác nhiệm kỳ và trong các chương trình tọa đàm dành cho công chức của Bộ.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đào tạo bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn bản pháp lý và kỹ năng đàm phán đa phương về xây dựng pháp lý nhằm tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng, xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách pháp lý chuyên nghiệp.

Bộ luôn khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ trong lĩnh vực pháp lý học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đa số cán bộ pháp lý trẻ đều học thạc sĩ chuyên ngành luật quốc tế tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Một số đã hoặc đang theo học trình độ tiến sĩ. Cán bộ pháp lý của Bộ thường tham gia trực tiếp vào các đoàn đàm phán hoặc các tổ chức quốc tế trên các mức độ khác nhau, để học hỏi và tích lũy những kinh nghiệm và kỹ năng quan trọng từ các hoạt động thực tiễn.

Trong thời gian qua, Bộ đã quan tâm đến việc đưa chuyên gia pháp lý ứng cử vào các tổ chức pháp lý quốc tế. Bộ Ngoại giao đang vận động đề cử PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao là ứng viên vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), vào các thiết chế tài phán quốc tế; giới thiệu bà Nguyễn Thanh Hà, ông Nguyễn Quý Bính là 2 trong 4 trọng tài viên của Việt Nam vào danh sách trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này để có thể đưa các cán bộ pháp lý trẻ, có năng lực của Việt Nam vào các tổ chức pháp lý quốc tế và các thiết chế tài phán quốc tế trong tương lai.

Thưa Thứ trưởng, việc các đại sứ trực tiếp đi tiếp thị nông sản gợi ý như thế nào cho công tác đào tạo của Bộ Ngoại giao?

Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là người đại diện cho hình ảnh quốc gia, bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia ở nước ngoài. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu, rộng, các hoạt động đối ngoại tại cơ quan đại diện rất phong phú và đa dạng, đặc biệt các vị đại sứ Việt Nam cần tăng cường các hoạt động kinh tế, trực tiếp đi tiếp thị cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Việc các đại sứ đi tiếp thị nông sản Việt Nam là một hình ảnh đẹp, điều này gợi ý cho công tác đào tạo bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao theo một số khía cạnh.

Một là, công tác ngoại giao kinh tế là một mảng công tác ngày càng quan trọng của cơ quan đại diện, bên cạnh các mảng khác là ngoại giao chính trị, văn hóa.

Trên thực tế, trong 5 năm qua Bộ đã tổ chức những lớp cập nhật kiến thức dành cho Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam. Nội dung ngoại giao kinh tế đã được đưa vào khung chương trình, theo đó các đơn vị chức năng chia sẻ khung chính sách và cơ sở pháp lý của hoạt động ngoại giao kinh tế. Các vị nguyên đại sứ làm tốt công tác này cũng được mời tới để chia sẻ kinh nghiệm.

Đặc biệt, Bộ đã tập trung đào tạo thêm kỹ năng vận động hành lang, xây dựng mạng lưới, sử dụng công cụ thông tin tuyên truyền và xây dựng hình ảnh Trưởng cơ quan đại diện năng động, sáng tạo nhằm thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế.

Hai là, công tác phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã được chú trọng hơn. Trên thực tế, các Trưởng Cơ quan đại diện mới được bổ nhiệm đều được Bộ cử đi tham quan, đi thực tế tại các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhằm nắm bắt điểm mạnh và nhu cầu về xuất nhập khẩu, đầu tư. Đây là một hoạt động quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc kết nối địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ kịp thời sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp.

Ba là, việc đại sứ đi tiếp thị nông sản đã được Bộ chỉ đạo xây dựng thành các bài tập tình huống hoặc tư liệu tham khảo, phục vụ các lớp đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là các lớp dành cho các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện.

Các hoạt động quảng bá sản phẩm khác như văn hóa, du lịch, đã được nhiều vị Trưởng Cơ quan đại diện thực hiện hiệu quả tại nước ngoài. Việc xây dựng hình ảnh Trưởng Cơ quan đại diện năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả luôn là nội dung quan trọng trong định hướng đào tạo bồi dưỡng của Bộ trong giai đoạn hiện nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Hải Minh

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.