Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Cập nhật, bổ sung Chỉ thị 45 để đổi mới công tác người Việt Nam ở nước ngoài

15:02 | 27/11/2020

(Chinhphu.vn) - Sáng 27/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham quan triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào; củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

“Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mà đất nước ta có được là nhờ sự đoàn kết của toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ những người con đất Việt, trong đó có những thế hệ kiều bào mà hiện nay đã là cộng đồng 5,3 triệu người”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Những đóng góp quan trọng, thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước hàng năm đã tham gia tích cực, có nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn sâu sắc, tâm huyết vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị.

Trong 5 năm qua, nhìn chung, việc quán triệt và triển khai Chỉ thị 45 đã được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ. Chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã thực sự đi vào cuộc sống. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ bà con kiều bào; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại.

Nhiều cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho kiều bào đã được ban hành và triển khai (Chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học...). Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được cải tiến với hình thức ngày càng đa dạng, nội dung phong phú và thiết thực hơn. Việc phát huy nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài được chú trọng, đặc biệt đã bắt đầu khai thông được nguồn lực kiều bào trẻ đầy tiềm năng. Cơ chế phản hồi đối với những góp ý, sáng kiến của kiều bào bước đầu được thiết lập. Công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc đã đạt được những kết quả tích cực.

Các chính sách về bảo hộ công dân được triển khai quyết liệt thời gian qua cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tổ chức 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước. Kết quả chống dịch ở trong nước cùng với sự quan tâm đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn những mặt hạn chế. Việc ban hành một số chính sách, quy định, hướng dẫn còn chậm; triển khai một số chính sách, biện pháp chưa đồng bộ, kịp thời; kết quả vận động, thu hút nguồn lực kiều bào chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; vai trò của kiều bào trong việc nâng cao hình ảnh Việt Nam ở sở tại và thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị cần thảo luận kỹ và kiến nghị những nội dung cần cập nhật, bổ sung để tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp tục quán triệt, làm rõ hơn nội dung Chỉ thị 45

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ đối ngoại sẽ ngày càng nặng nề hơn. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận sâu về một số nội dung chính sau.

Thứ nhất, quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Mặc dù vậy, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 thời gian qua, cũng như trước những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội nghị cần thảo luận kỹ và kiến nghị những nội dung cần cập nhật, bổ sung để tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.

Thứ hai, trên cơ sở các định hướng, nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36, cần tập trung rà soát tổng thể và toàn diện các chính sách, biện pháp đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, tập trung vào 5 năm gần đây; làm rõ những mặt được cũng như những bất cập, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; phân tích kỹ các nguyên nhân khách quan và chủ quan; đề xuất, kiến nghị các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách liên quan.

Thứ ba, song song với việc thảo luận về hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo và cơ chế chính sách, Hội nghị cũng cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kiều bào ta ở nước ngoài trong điều kiện mới, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia ở các lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học...

Thứ tư, thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Do đó, Hội nghị cần trao đổi sâu về việc tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong và ngoài nước để khắc phục những tồn tại, hạn chế; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn.

Đồng thời, Hội nghị cũng cần tập trung thảo luận, kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, chung sức của người dân ở trong và ngoài nước, phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được những thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới./.

 

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.