Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

70 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác là dòng chảy chính

08:30 | 17/01/2020

(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2020), đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc đã có bài viết về sự kiện này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ báo chí sau hội đàm tại Nhà khách Chính phủ ngày 1/4/2018. Ảnh: VGP/Hải Minh
Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc. Mùa xuân Canh Tý năm nay, cùng với việc chào đón năm mới 2020, nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc vui mừng và phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cùng nhau ôn lại chặng đường 70 mùa xuân của mối quan hệ láng giềng hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các vị tiền bối cách mạng hai nước dày công xây dựng và vun đắp.

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong chặng đường 70 năm phát triển, hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Ðảng, Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và không bao giờ quên điều đó.

70 năm qua, quan hệ Việt - Trung tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt. Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung. Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Với sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung những năm qua duy trì đà phát triển ổn định và đạt được nhiều tiến triển mới. Tính đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ trung ương tới địa phương, liên quan gần như tất cả các lĩnh vực, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước. Hợp tác giữa hai Ðảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các Ban Ðảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, xây dựng Ðảng…; tổ chức thành công Cơ chế gặp gỡ cấp cao hai Ðảng và Hội thảo lý luận để trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Ðảng, quản lý nhà nước, đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế; ký kết và triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Ðảng, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Ðảng.

Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Ðại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và giữa các bộ, ngành như ngoại giao, quốc phòng, công an không ngừng được tăng cường. Ðến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương cũng như triển khai tốt hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung, Ðối thoại an ninh chiến lược, Ðối thoại chiến lược quốc phòng; duy trì cử tàu hải quân thăm lẫn nhau, tuần tra chung trên bộ và Vịnh Bắc Bộ, kiểm tra liên hợp nghề cá giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng đội Ngư chính Trung Quốc, giao lưu sĩ quan trẻ…

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh, thành Trung Quốc, nhất là Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Ðông… diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Tính đến nay, đã có gần 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên như: Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư bốn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam với Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh này với Quảng Tây; Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ/ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Hợp tác Hành lang kinh tế giữa các tỉnh/thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Qua các phiên họp, hai bên đã đi sâu trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, đóng góp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Giao lưu, trao đổi giữa các đoàn thể quần chúng ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú như Diễn đàn nhân dân, Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan thanh niên...

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch… phát triển sâu rộng, đi vào thực chất. Tháng 11/2017, hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 106,7 tỷ USD, tăng hơn 3.300 lần so năm 1991. Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 105,75 tỷ USD, tăng 8,71% so cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 11/2019, Trung Quốc có 2.739 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tổng số vốn 16,1 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các khoản tín dụng ưu đãi dài hạn và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc dành cho Việt Nam cũng góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương Việt Nam. Hằng năm có khoảng năm triệu lượt du khách Trung Quốc tới Việt Nam. Hiện nay có khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam.

Thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã từng bước được giải quyết. Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (năm 1999), Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2000), hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc (năm 2008) và ký kết ba văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền (năm 2009). Ðây là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề xây dựng đường biên giới Việt-Trung thành đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Hiện nay, hai nước còn có bất đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề trên biển. Lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông. Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và ba cơ chế đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên Việt Nam-Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.

Ðối với những diễn biến trên biển thời gian qua, Việt Nam một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mặt khác kiên trì thông qua đối thoại để giải quyết bất đồng. Các bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Những thành quả trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 70 năm qua là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Năm 2020, hai nước sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, giao lưu hữu nghị đa dạng và phong phú liên quan nhiều lĩnh vực. Chúng ta tin tưởng rằng, các hoạt động này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, mong muốn năm 2020 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mới ngày càng tốt đẹp của quan hệ giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Nhân dịp Xuân Canh Tý đang đến gần, chúng ta cùng gửi tới nhân dân Trung Quốc lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc tình hữu nghị và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển.

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.