Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

PHÁT BIỂU

của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm:

Bài học từ kinh nghiệm quốc tế"

(Hà Nội, ngày 25/2/2022)

=====

Thưa Quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế về "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế". Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi tới Quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã kịp thời tổ chức Hội nghị với chủ đề quan trọng và phù hợp xu thế chung toàn cầu lần này. Sự tham gia của nhiều diễn giả có uy tín trong nước và quốc tế cho thấy trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế đối với những vấn đề chung của nhân loại.

Thưa Quý vị,

Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi Liên hợp quốc thành lập, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, làm ngưng trệ những nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Tác động cộng hưởng của đại dịch cùng với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cùng với các vấn đề về môi trường… đã và đang để lại những hệ lụy to lớn, nhiều mặt và lâu dài. Mặc dù vậy, thế giới cũng tiếp tục chứng kiến những tiến bộ chưa từng có của khoa học, công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0, và sự gia tăng kết nối giữa các quốc gia.

Bối cảnh đặc biệt này đã mang đến cho các quốc gia và cộng đồng quốc tế những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về các mối đe dọa nghiêm trọng, tiềm ẩn từ các vấn đề môi trường và sức khỏe; tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, khai thác bền vững tài nguyên, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Các quốc gia cũng có cơ hội để đánh giá lại, từ đó đề ra và triển khai các chính sách, biện pháp thích ứng an toàn với đại dịch, đổi mới các mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế, chuyển đổi số nhằm phục hồi và phát triển một cách bao trùm và bền vững hơn. Một số nước đã đề xuất xây dựng các Chính sách kinh tế xanh mới (Green New Deal), các sáng kiến lập pháp về tái chế, xử lý chất thải hay giảm phát thải. Ở cấp độ toàn cầu, Chương trình Nghị sự 2030 là tầm nhìn và khuôn khổ tương đối toàn diện để cộng đồng quốc tế cùng hướng tới các mục tiêu chung về phát triển bền vững.  

Thưa Quý vị,

Khác với nhiều cuộc thảo luận trước đây, vấn đề đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam sau đại dịch COVID-19 không phải chỉ là phục hồi mà là phục hồi như thế nào. Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử và đến nay đã tiêm gần 200 triệu liệu vắc-xin phòng COVID-19. Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã có câu trả lời rõ ràng: đó là sự theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm, cụ thể là:

(1) Tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Hiện nay Việt Nam cũng đang thực hiện mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và khẩn trương khôi phục du lịch quốc tế như trước khi có dịch.

(2) Ban ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm (i) mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; (ii) đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (iii) hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (iv) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và (v) cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

(3) Xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, điển hình là Chiến lược tăng trưởng xanh 2021 – 2030, nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, nhất là những định hướng lớn về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, song song với những nỗ lực hiện thực hoá các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 vừa qua.

Đây sẽ là một tiến trình chuyển đổi sâu sắc, đòi hỏi Việt Nam phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế cũng như các mục tiêu, chiến lược quốc gia có liên quan theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những cú sốc từ bên ngoài.

Đây cũng là cơ hội để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch; giảm phát thải khí mê tan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu…

Chúng tôi cũng xác định đây sẽ là một tiến trình đầy khó khăn, thách thức. Đó là những thách thức về hoàn thiện thể chế, khắc phục những rào cản đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là việc xử lý những tác động xã hội của quá trình chuyển đổi, khi việc làm trong những lĩnh vực truyền thống sẽ mất đi, trong khi người lao động chưa được trang bị đủ kiến thức, năng lực để tham gia vào một thị trường lao động mới với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn. Và đó là những thách thức về thiếu hụt nguồn tài chính, công nghệ và năng lực phục vụ quá trình chuyển đổi này.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm quá trình Đổi mới, mở cửa và hội nhập trong hơn 35 năm qua, mỗi bước thay đổi, chuyển đổi đều xuất phát từ quá trình đổi mới tư duy, nhận thức, hướng tới những lợi ích phát triển dài hạn, tổng thể của đất nước, của người dân.

Tại Hội nghị hôm nay, tôi mong muốn được lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, về tầm nhìn và kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi kinh tế-xã hội xanh, bền vững và bao trùm. Từ đó, rút ra các bài học cũng như đề xuất các giải pháp tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đã đề ra, thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tôi mong muốn các ý kiến, đề xuất tập trung vào các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, giải quyết những tác động môi trường của tăng trưởng, như các tác động về khí hậu, môi trường, sức khỏe, tài nguyên và đa dạng sinh học, bằng cách tiếp cận hướng tới mô hình kinh tế có khả năng chống chịu và có năng suất cao, tập trung vào tái tạo tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa các-bon.

Thứ hai, bảo đảm quá trình tăng trưởng toàn diện và bền vững, bao gồm kết hợp hoàn thiện các khung pháp lý và thực thi chính sách hiệu quả để bảo vệ các nhóm yếu thế, đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với các cơ hội kinh tế và dịch vụ để không ai bị bỏ lại phía sau, qua đó giảm thiểu bất công, giảm nghèo đa chiều và mức độ dễ tổn thương, xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của phát triển.

Thứ ba, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm thông qua việc tạo ra hệ thống sản xuất các-bon thấp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính lâu dài và bền vững; kinh nghiệm về chuyển đổi kinh tế, năng lượng, tư vấn về nguồn tài chính xanh, tiếp cận công nghệ xanh cũng như cách thức xử lý các tác động xã hội của quá trình chuyển đổi.

Tôi tin tưởng rằng, những chia sẻ của Quý vị tại Hội nghị này sẽ giúp các Bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra theo hướng xanh, bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả hơn Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu và cam kết này, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các bạn bè, đối tác quốc tế khác để thực hiện tầm nhìn về phát triển đất nước, đồng thời chung tay góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng trên toàn thế giới và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.