Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 diễn ra suôn sẻ, 'thêm' một thương hiệu cho ASEAN

10:00 | 16/11/2020

(Chinhphu.vn) - Sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN đã có những đánh giá về các vấn đề liên quan tới kỳ hội nghị.

Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan?

Có thể nói, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp. Chúng ta đã đạt được những mục tiêu đặt ra, trong đó có thể nói tất cả những sáng kiến, đề xuất cùng những ưu tiên của cả năm đều đã được thể hiện ở trong cuộc họp lần này của các nhà lãnh đạo và đã được các nhà lãnh đạo thông qua, phê chuẩn. Đó là điều hết sức phấn khởi trong cả lĩnh vực về xây dựng cộng đồng cũng như trong ứng phó với dịch Covid-19 và tiến tới phục hồi với các nước ASEAN.

Đồng thời, những vấn đề chúng ta đặt ra cho chương trình nghị sự đã được hoàn thành và được hưởng ứng rất mạnh mẽ bởi các nhà lãnh đạo trong ASEAN cũng như các nhà lãnh đạo các nước đối tác của ASEAN. Có thể khẳng định, hội nghị đã diễn ra rất suôn sẻ, kể cả về mặt tổ chức, kỹ thuật, việc truyền tải thông tin đều tương đối hoàn thiện.

Các nước ASEAN đánh giá như thế nào về những sáng kiến và đề xuất trong cả năm ASEAN 2020 mà Việt Nam đã đạt được?

Trước hết, các nước đánh giá ngay từ đầu là chủ đề Việt Nam đưa ra rất chính xác và đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, đó là một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Thứ hai, các nước ASEAN cho rằng những ưu tiên Việt Nam đặt ra cho xây dựng cộng đồng cũng rất thỏa đáng, phù hợp. Khi Việt Nam chuyển trọng tâm sang vấn đề ứng phó với dịch Covid-19 và các biện pháp để hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp thì các nước đều đánh giá đây là phương hướng rất đúng, vì vậy, đã nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của các nước cũng như các đối tác. Những sáng kiến như Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 hoặc Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực hay Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi đều được các nước hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình.

Thưa Thứ trưởng, sau khi được ký kết, lộ trình để thông qua Hiệp định RCEP dự kiến diễn ra trong bao lâu?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, sau khi ký kết hiệp định là giai đoạn phê chuẩn. Giai đoạn này phụ thuộc vào nội bộ của từng nước. Khi đa số nước phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực. Chúng tôi tin rằng các nước cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn.

Theo Thứ trưởng, liệu các nước có thể mong đợi gì về tiến triển của đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử chung ở Biển Đông (COC) trong năm tới?

Về COC, quyết tâm của các nước ASEAN và Trung Quốc đều rất mạnh. Tất cả đều mong muốn sớm có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một khu vực hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, việc thương lượng trước hết bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, các nước đều mong muốn nội dung thương lượng này được thực hiện thông qua gặp trực tiếp. Do đó, cho đến nay tôi cũng khó có thể nói được rằng khi nào thì văn bản có thể hoàn thiện. Tất nhiên là chúng ta đều muốn đẩy nhanh tiến trình này nhưng còn phụ thuộc vào thiện chí cũng như lập trường của các bên.

Bước đi đầu tiên sắp tới trong việc mở lại các hành lang đi lại trong ASEAN là như thế nào, thưa Thứ trưởng? Indonesia nói rằng họ cố gắng trong 3 tháng đầu năm 2021 sẽ là “timeline” cho việc đó, điều này có đúng không?

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành như hiện nay, việc đầu tiên các nước nghĩ đến đối với việc phục hồi là sự di chuyển, đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhất là những công việc thiết yếu phải được bảo đảm. Do đó, khi vấn đề này nêu ra thì mọi người đều thấy rất cần thiết. Vì vậy các nước đều thể hiện quyết tâm bằng sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, đây mới chỉ là định hướng và các nguyên tắc, việc thực hiện còn phải phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bởi vì các nhà lãnh đạo mặc dù khuyến khích bảo đảm việc đi lại nhưng đồng thời cũng nhắc ưu tiên số 1 phải là an toàn, bảo đảm được sức khỏe và chống dịch bệnh. Quá trình này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, thêm nữa là sự sẵn sàng của từng nước. Khó có thể nói được khi nào chúng ta có thể làm được, nhưng cũng có thể khẳng định rằng quyết tâm của các nước là rất cao và muốn làm sớm nhất.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.


Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.