Đưa các mối quan hệ ưu tiên vào chiều sâu
(Chinhphu.vn) Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước và nỗ lực vượt bậc của các lực lượng đối ngoại, trong đó có Bộ Ngoại giao, công tác đối ngoại đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật trong năm năm qua là “quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu; đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng”.
Bên cạnh việc không ngừng củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống, đặc biệt với các nước bạn Lào và Campuchia, chúng ta đã đẩy mạnh việc xây dựng, thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng khác.
Thể chế hóa khuôn khổ quan hệ
Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga (2001), Việt Nam là một trong năm nước đầu tiên trên thế giới thúc đẩy xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược – mô hình mới trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược đầy đủ với 14 nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và quan hệ Đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực với Đan Mạch và Hà Lan.
Việt Nam đã có quan hệ Đối tác toàn diện với mười nước, trong đó có Hoa Kỳ - nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với EU (2012) và đang tích cực thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định.
Đáng chú ý, có đến 50%, tức là 7 trong số 14 quan hệ Đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay, được thiết lập trong năm năm vừa qua. Đó là Đức (2011), Indonesia, Singapore, Thái Lan, Pháp, Italy (2013) và Malaysia (2014). Chúng ta cũng nâng cấp quan hệ với Nga lên Đối tác chiến lược toàn diện (2012) và nâng quan hệ với Nhật Bản lên Đối tác chiến lược sâu rộng (2014). Như vậy, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với tất cả các nước lớn, gồm cả năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc xây dựng khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với các đối tác ưu tiên, quan trọng cho thấy Bộ Ngoại giao đã quán triệt và triển khai chủ động, sáng tạo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước. Các Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện của chúng ta hết sức đa dạng, từ các nước láng giềng, các nước lớn đến các nước có ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau nhưng đều có một điểm chung là có ảnh hưởng quan trọng đến các lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam.
Thành tựu quan trọng này đã khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Ngoại giao trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng. Đó cũng là kết quả của việc chúng ta đã làm tốt công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, nắm bắt được nhu cầu và lợi ích của các đối tác trong bối cảnh nhiều nước điều chỉnh chiến lược theo hướng ngày càng coi trọng hơn vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong các ưu tiên đối ngoại.
Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương cả nước, Bộ Ngoại giao cũng là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các bước đi chủ động, tích cực, cụ thể hóa nội hàm các khuôn khổ quan hệ mới giữa Việt Nam và các đối tác này theo hướng ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Ba lợi ích lớn
Có thể nói việc nâng cấp, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng mang lại cho chúng ta những lợi ích to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước.
Một là, các quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện đã góp phần xác lập vị trí và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng; thúc đẩy tin cậy chính trị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước này. Lần đầu tiên, nhiều nước lớn đã xác định Việt Nam là ưu tiên trong chiến lược đối ngoại đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi nâng cấp quan hệ, mật độ trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam với các Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện đều tăng mạnh so với các năm trước. Khuôn khổ quan hệ mới cũng góp phần tăng cường hợp tác, giảm bớt sự khác biệt giữa Việt Nam và các đối tác lớn.
Trong các chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), Hoa Kỳ đã khẳng định tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với Trung Quốc, tiếp sau việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã hoàn thành việc phân định biên giới trên bộ và đạt được nhận thức chung quan trọng trong việc triển khai Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
Hai là, những mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã giúp ta tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài to lớn cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Mạng lưới các quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện đã giúp gắn nền kinh tế Việt Nam với một thị trường rộng lớn gồm trên 3,5 tỷ người, có tổng GDP lên đến 35.000 tỷ USD. Những thành viên của các liên kết kinh tế quan trọng tầm khu vực và liên khu vực mà chúng ta đang tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) phần lớn đều là các Đối tác chiến lược hay Đối tác toàn diện của Việt Nam. Đứng trong tốp mười bạn hàng và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hầu hết là các Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện của chúng ta như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.
Trong khi kinh tế thế giới và bản thân nhiều nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn thì kim ngạch thương mại và các con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam với các đối tác nói trên vẫn tăng so với các năm trước. Đơn cử, năm 2014, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước ASEAN có giá trị xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỷ USD. Liên tiếp trong các năm 2012, 2013 và 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu sau hai thập kỷ liên tiếp nhập siêu. Đáng chú ý, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới, các tổ chức này đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% và 6,6% lần lượt trong các năm 2015 và 2016, cao gấp đôi mức trung bình của thế giới.
Rõ ràng những thành tựu kinh tế đối ngoại quan trọng trong quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đồng thời cũng là các Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện của chúng ta đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế lấy lại động lực tăng trưởng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Ba là, khuôn khổ quan hệ mới đã góp phần tăng cường đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và các nước, tạo vị thế đối ngoại thuận lợi hơn cho nước ta. Việc có quan hệ tốt với các nước, nhất là các nước lớn có ảnh hưởng quan trọng đối với cục diện kinh tế, chính trị khu vực và quốc tế đã tạo đòn bẩy thúc đẩy quan hệ giữa ta và các đối tác khác. Nhờ đó, chúng ta đã tranh thủ được sức mạnh và sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời cùng cộng đồng quốc tế đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Còn nhiều dư địa hợp tác
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII đã đề ra nhiệm vụ đối ngoại quan trọng là “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các Đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất”.
Bám sát phương hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao luôn xác định rõ việc xây dựng được khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải tiếp tục tranh thủ có hiệu quả, không ngừng đưa các mối quan hệ này đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững để phục vụ thiết thực các lợi ích an ninh, phát triển và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước. Vừa qua, chúng ta đã phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác với các Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện song vẫn còn nhiều dư địa có thể được thúc đẩy hơn nữa nhằm phục vụ thiết thực lợi ích của tất cả các bên cũng như hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các đối tác xây dựng và tích cực triển khai những Chương trình hành động để cụ thể hóa nội hàm các mối quan hệ mới được xác lập. Việc kiểm điểm, đôn đốc thực hiện các Chương trình hành động này cũng được coi trọng trên cơ sở có sự đánh giá, trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở những thành tựu đối ngoại quan trọng năm năm qua, trong đó có việc xây dựng thành công các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện, chúng ta có đầy đủ tin tưởng và quyết tâm để triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Bùi Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm
15:51 | 25/02/2022(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020
19:02 | 11/12/2020(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.