Tiến triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Người trong cuộc cũng bất ngờ!
"Sự tiến triển nhanh chóng trong quan hệ giữa hai nước đều được đánh dấu bằng mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên. Qua đó thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới và đạt được những kết quả vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên với ngay bản thân tôi là người trong cuộc", nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ đánh giá.
![]() |
Ông Lê Bàng. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Thưa ông, đến nay, việc Việt Nam, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao là tròn 20 năm, xin ông cho biết cảm nhận của mình về những bước tiến trong quan hệ hai nước?
Ông Lê Bàng: Tôi cho rằng quan hệ Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những bước tiến nhanh chóng. Lúc đầu quan hệ hai bên gặp phải rất nhiều khó khăn, có thể nói là cực kì khó khăn, do phải vượt qua những hậu quả của chiến tranh để lại.
Những năm gần đây, mối quan hệ hai nước đã phát triển ngày càng nhanh, do hai nước có những điểm chung về lợi ích. Đối với Việt Nam là vấn đề kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục… còn đối với Hoa Kỳ đó là lợi ích chiến lược. Quan hệ hai nước sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa trong trương lai.
Sự tiến triển nhanh chóng trong quan hệ giữa hai nước đều được đánh dấu bằng mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên. Qua đó thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới và đạt được những kết quả vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên với ngay bản thân tôi.
Việt Nam hiện có gần 17.000 sinh viên đang học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt trên 30 tỷ USD, trong đó ta xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với tổng vốn hơn 10 tỷ USD… Đó là điều khó có thể hình dung được.
Là người chứng kiến thời kì “phá băng” trong quan hệ hai nước, ông có thể khái quát về những khó khăn gặp phải khi đó để hai nước đi đến bình thường hóa quan hệ?
Ông Lê Bàng: Sau năm 1975, hai nước đã có những bước đi đầu tiên trong việc bình thường hóa quan hệ với những cuộc thương lượng tại Paris, New York và một vài nơi khác nhưng không thành.
Thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ hai nước xảy ra vào những năm 1979-1987. Lúc đó phía Hoa Kỳ bỏ cả những quan hệ cần thiết như tìm kiếm người mất tích, vấn đề con lai…, còn phía Việt Nam bị bao vây cấm vận.
Tôi nhớ vào những năm 1980, 1981, Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức nào với Việt Nam, mà chỉ có một số cựu binh tiến bộ sang tìm hiểu về vấn đề người mất tích trong chiến tranh. Còn Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để phá bỏ thế bao vây cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cho đến năm 1985-1986, tình hình khu vực và thế giới đã có sự thay đổi, đặc biệt lúc đó Liên Xô đã đưa ra Glasnost thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại. Căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ cũng đã giảm đi. Cùng với đó, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng không còn "mặn mà" như hồi năm 1972...
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách cải cách mở cửa. Do vậy tình hình lúc đó tương đối thuận lợi cho hai bên để có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Những năm 1987-1988, trong các cuộc thương lượng giữa hai bên về vấn đề người mất tích trong chiến tranh, phía Hoa Kỳ vẫn từ chối đề cập đến bình thường hóa quan hệ. Chính vì vậy, làm thế nào để “phá băng” là một việc vô cùng khó khăn với cả hai bên, do hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề…
Những năm1986-1992 là thời gian cực kì khó khăn để vượt qua những trở ngại trong quan hệ hai nước.
Lúc đó, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã có những bước đi rất sáng tạo nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa như đồng ý giải quyết những vấn đề nhân đạo. Theo đó, Việt Nam hỗ trợ Hoa Kỳ tìm người mất tích, phía Hoa Kỳ hỗ trợ một số phương tiện (như chân tay giả) cho thương binh, người tàn tật do chiến tranh ở Việt Nam.
Đến năm 1991-1992 giới doanh nghiệp Hoa Kỳ bắt đầu hướng đến Việt Nam. Do nhận thấy các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đã có quan hệ thương mại với Việt Nam, nên giới doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đưa vấn đề này ra Quốc hội để được chấp thuận việc đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tổng thống Mỹ (lúc đó là George H.W. Bush) đã quyết định cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ lập văn phòng ở Việt Nam để đón nhận việc bình thường hóa quan hệ.
Theo lộ trình thì đến giữa năm 1993, Việt Nam có thể lập cơ quan đại diện tại Washington D.C. Đến tháng 4/1993, Hoa Kỳ cử một đoàn công tác do cựu Ngoại trưởng Edmund Muskie dẫn đầu sang Việt Nam.
Ngày 3/2/1994, chính quyền Tổng thống Bill Clinton chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận với Việt Nam và đến tháng 1/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố hai bên đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc tại Washington D.C.
Tháng 7/1995, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Hoa Kỳ.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ hai nước trong thời gian tới?
Ông Lê Bàng: Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Năm 2010, khi hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, phía Hoa Kỳ đưa ra hình ảnh một cánh diều để so sánh về mối quan hệ hai nước đang lên.
Cũng nhân dịp này, hai bên có đề cập đến vấn đề tiến tới quan hệ đối tác toàn diện hoặc chiến lược và đến năm 2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước đã ra Tuyên bố chung có nội dung về việc quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Đây là một thành tựu quan trọng nhất, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập.
Hiện có một điểm chung giữa hai nước đó là hòa bình, ổn định và phát triển. Đối với Việt Nam, chúng ta cần khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đẩy mạnh phát triển, những điều này phía Hoa Kỳ đều ủng hộ.
Việt Nam là một trong những nước có chủ quyền trên biển Đông. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch, hơn 40% trong 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển phải đi qua vùng Biển Đông. Vì vậy, Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á-Thái Bình Dương và Hoa Kỳ.
Có thể nói, quan hệ hai nước trong 5-10 năm tới sẽ phát triển hơn nữa. Con số du học sinh Việt Nam tại Mỹ có thể sẽ lên đến con số 20.000-30.000. Hoa Kỳ kỳ vọng và tin tưởng sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm
15:51 | 25/02/2022(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020
19:02 | 11/12/2020(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.