Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Vị Bộ trưởng “khai sơn phá thạch” ở chiến khu Việt Bắc

19:50 | 19/07/2015

(Chinhphu.vn) - Hàng năm, cứ đến kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Ngoại giao Việt Nam, tôi lại hồi tưởng về những kỷ niệm không thể nào quên với vị thủ trưởng giữa núi rừng Việt Bắc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Văn phòng ở chiến khu

Ít lâu sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bộ Ngoại giao chuyển lên chiến khu Việt Bắc, tại An toàn Khu Tân Trào, thuộc Châu Tự do, tỉnh Tuyên Quang. Trụ sở Bộ được đặt tại xóm Rõn, xã Minh Khai và tạm thời ở nhờ nhà dân địa phương để đảm bảo an toàn, bí mật.

Ngày 18/1/1950 là ngày đại thắng ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với một loạt các nước anh em lần lượt chính thức tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thỏa thuận cùng nhau trao đổi quan hệ ngoại giao cấp hàm đại sứ: mở đầu là Trung Quốc, rồi đến Liên Xô và các nước Dân chủ nhân dân Đông Âu: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bungari …

Do nhu cầu mới về tổ chức và cán bộ, Bộ Ngoại giao bắt đầu phải tính tới và có kế hoạch cho công tác xây dựng ngành. Là người nhạy bén và có tầm nhìn chiến lược, ngay tại An toàn Khu Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) khi điều kiện vật chất và lực lượng cán bộ còn thiếu thốn, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã nhanh chóng cho triển khai một kế hoạch mới ngay sau ngày 18/1/1950. Trước tiên, Bộ trưởng cho tuyển đợt đầu cán bộ nhân viên mới, đưa con số biên chế lên năm chục người.

Chính trong đợt "tuyển dụng" này, tôi may mắn được chuyển từ Chiến khu Liên khu Ba lên nhận công tác tại Bộ Ngoại giao theo công văn yêu cầu của Bộ Ngoại giao và lệnh điều động của Bộ Tư lệnh Quân khu Liên khu 3.

Vị tư lệnh ngành đầu tiên

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, vốn là một nhà giáo lão thành, trải qua nhiều thử thách, được Đảng và Bác Hồ tin cậy giao trọng trách Bộ trưởng đầu tiên của ngành Ngoại giao. Tại chiến khu, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cùng gia đình ở tại nhà ông bà Giáo Hội, trong ngôi nhà sàn bằng gỗ, chắc chắn, mái lợp lá gồi.

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, vốn người điềm đạm, nói năng nhẹ nhàng, thân mật và luôn quan tâm đến mọi người nên được gia đình chủ nhà và bà con chòm xóm rất quý mến. Đối với chúng tôi, những cán bộ, nhân viên hàng ngày sống và làm việc cùng ông, suốt những năm kháng chiến đầy khó khăn và vất vả ấy, mối quan hệ giữa nhân viên với thủ trưởng là sự thân tình, gần gũi, coi nhau như anh em trong một đại gia đình. Thông cảm với đông đảo anh chị em phần lớn không có gia đình đi theo, Bộ trưởng lại càng chú ý quan tâm, giúp đỡ và ân cần bảo ban.

Đến đây, lần đầu tiên tôi được gặp Bộ trưởng Hoàng Minh Giám tại Văn phòng Bộ. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, với sự gần gũi, thân tình, ông phân tích cho tôi tình hình chiến sự, nói rõ về ý nghĩa lớn lao của ngày lịch sử thắng lợi ngoại giao 18/1/1950 đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của ta. Vì vậy, ông nhấn mạnh tới nhu cầu cần mở rộng ngay tổ chức và hoạt động của Bộ Ngoại giao ở chiến khu. Rồi ông đi thẳng vào một số công việc phải tiến hành trước mắt. Ông nhấn mạnh, công việc phải tiến hành song song là đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhân viên, dần dần nâng cao trình độ của mỗi người để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác đối ngoại.

Quán triệt tầm quan trọng và cấp bách của vấn đề này, vị Bộ trưởng đã để tâm suy nghĩ nhiều, phân công cán bộ chuyên trách và bản thân ông cũng chủ động đảm nhiệm một số công việc. Dưới sự chỉ đạo của ông, việc học tập về văn hóa, ngoại ngữ, nghiệp vụ ngoại giao cho anh chị em, cán bộ, nhân viên được tổ chức đều đặn và thường xuyên vào tất cả các sáng thứ Bảy, do một số đồng chí cán bộ có trình độ chuyên môn khá hơn đảm nhiệm.

Bản thân Bộ trưởng, sau mỗi lần đi họp Hội đồng Chính phủ về cũng dành thời gian thông báo lại cho anh chị em cơ quan. Thông qua đó, các cán bộ, nhân viên trong cơ quan nắm được tình hình trong nước và thế giới, xác định được nhiệm vụ của ngành Ngoại giao trong tình hình mới để trau dồi chuyên môn, sẵn sàng đảm đương mọi công việc khi được điều động. Sau ngày về tiếp quản Thủ đô, thực tế đã chứng minh là hoàn toàn như vậy.

Nghĩa nặng với đồng bào

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, giải phóng Thủ đô năm 1954, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, chúng tôi ít có dịp được gặp ông. Sau này, khi lứa cán bộ trẻ ngày ấy đều đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng chúng tôi lại tới nhà riêng thăm ông và cùng ôn lại những ký ức sống động khi còn ở chiến khu Tân Trào.

Có lần, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ngỏ ý muốn cùng chúng tôi tổ chức một chuyến hành hương về thăm lại Việt Bắc, nơi ở và làm việc cũ. Tiếc là nguyện vọng của vị Bộ trưởng chưa thành thì ông đã vĩnh biệt chúng ta để đi xa.

Trước khi mất ít lâu, khi chúng tôi đến thăm ông, ông dặn: "Cần thỉnh thoảng về thăm lại cơ quan Bộ Ngoại giao ở ATK Tuyên Quang, nhất là đồng bào ở đó đã từng nhường nhà cửa, cơ ngơi cho cơ quan Bộ Ngoại giao, làm sao giúp đỡ được chút nào để đồng bào địa phương từng bước cải thiện được cuộc sống hàng ngày. Đồng bào ở đấy thỉnh thoảng có người về chơi Hà Nội, vẫn hỏi thăm tôi về những cán bộ ngoại giao từng công tác lâu trên đó".

Ông Hoàng Minh Giám (4/11/1904-12/1/1995) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 3/1947 đến 9/1954.

Ông là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện sách lược "hòa để tiến" với Pháp thời kỳ 1946-1947. Trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam phải đối mặt với bộn bề khó khăn, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã có đóng góp tích cực trong việc kết hợp ngoại giao với quân sự và sức mạnh chính trị tổng hợp của đoàn kết toàn dân, kết hợp đối nội và đối ngoại. Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với sự nhạy cảm và sắc sảo, ông đã chỉ đạo ngành Ngoại giao làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên của nước cộng hòa non trẻ với thế giới bên ngoài.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực vào việc đặt những viên gạch đầu tiên trong xây dựng tổ chức của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo công tác của Bộ tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài việc từng bước hoàn chỉnh bộ máy của cơ quan, ông rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cũng như nội dung hoạt động về mọi mặt của cơ quan từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và đa dạng, làm cơ sở tốt và thuận lợi cho sự trưởng thành của ngành Ngoại giao trong giai đoạn kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam sau năm 1954.



Nguyễn Bá Bảo
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.