Việt Nam và ASEAN: Tìm đến nhau qua gian nan
Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cách đây 20 năm là một quyết định sáng suốt, kịp thời và đúng đắn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhìn lại những tháng ngày ấy, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN cũng là một chặng đường đầy gian nan.
Trải qua thăng trầm, gắn kết dựa trên luật quốc tế
Từ sau Thế chiến II, quan hệ giữa các quốc gia ở Đông Nam Á đã trải qua những bước thăng trầm, có lúc một số nước đã trở thành thù địch của nhau hoặc đối đầu với nhau rất căng thẳng, mà tâm điểm đều bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài chống lại Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của quân đội và nhân dân Việt Nam, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết ngày 21/7/1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam sau chín năm đã bị thất bại. Một nửa nước Việt Nam hoàn toàn được giải phóng.
Nhưng chưa đầy hai tháng, ngày 8/9/1954, đế quốc Mỹ đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), với mục đích phòng thủ, ngăn chặn cộng sản tràn xuống Đông Nam Á. Thực chất đây là một khối quân sự để phục vụ cho Mỹ, thay thế Pháp và lôi kéo một số nước là thành viên của khối này tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Sau hơn mười năm, tình hình ở chiến trường đã chứng tỏ cuộc chiến tranh xâm lược này sẽ thất bại và SEATO dần dần tan rã, tác động đến các nước Đông Nam Á. Kết quả là ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm năm nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan được thành lập. Có thể nói mục tiêu chủ yếu về chính trị mà ASEAN đề ra là “Thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực bằng việc tôn trọng công lý và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc”.
Ngày 24/2/1976, Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN họp tại Bali, Indonesia đã ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các nước ASEAN khẳng định ngay tại Điều 1 Chương 1 mục đích của TAC là “thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần vào sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn của họ”. Điều 2 trong Hiệp ước khẳng định:
“a- Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; b- Quyền của mọi quốc gia được tồn tại mà không có sự can thiệp, lật đổ, hoặc áp bức của bên ngoài; c- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; d- Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; e- Từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; f- Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả”.
Đây là một bước tiến mới từ phía các nước ASEAN, tạo ra tiền đề để hình thành một ASEAN bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á. Như vậy, chúng ta đã thấy rõ lần đầu tiên trong lịch sử Đông Nam Á, quan điểm về các nguyên tắc và mục tiêu để xây dựng khu vực này dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau đã được hình thành.
Rào cản tới ASEAN
Sau chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975, một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội ra đời. Sự kiện này lại một lần nữa tác động mạnh mẽ đến tình hình Đông Nam Á.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 26/6/1976 và chỉ mười ngày sau tức ngày 5/7/1976, Chính phủ Việt Nam đã công bố chính sách bốn điểm trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, khẳng định: “Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình; giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng… Phát triển hợp tác vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi nước vì độc lập dân tộc, hòa bình trung lập thật sự ở Đông Nam Á”.
Những quan điểm đó cũng trùng khớp với mong muốn của ASEAN, thể hiện tinh thần kết nối với các nước láng giềng trong khu vực của đất nước vừa mới “đứng dậy” sau hai cuộc chiến tranh đau thương và mất mát.
Tuy nhiên, sau đó, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở dọc biên giới Việt Nam, ngay sau khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ vừa mới kết thúc. Xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng và trách nhiệm quốc tế, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã tiến sang kịp thời cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và bảo vệ công cuộc hồi sinh của đất nước Campuchia khỏi sự quay trở lại của chế độ diệt chủng Polpot Khmer Đỏ. Sự kiện này đã kéo dài hơn 10 năm, làm cho quan hệ giữa Việt Nam, Lào, Campuchia với các nước ASEAN lại trở nên căng thẳng và đối đầu cho đến khi cái gọi là “vấn đề Campuchia” được giải quyết tại Hội nghị quốc tế về Campuchia ngày 23/10/1991 tại Paris, Thủ đô nước Pháp.
Chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ ở Campuchia bị tiêu diệt. Sự hồi sinh kỳ diệu của Vương quốc Campuchia ngày nay và bọn đầu sỏ diệt chủng của Khmer bị Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc đưa ra xét xử đã chứng minh sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội nhân dân Việt Nam đối với nước láng giềng Campuchia.
Quyết sách sáng suốt, kịp thời
Là một cán bộ ngoại giao của nước ta chuyên về Đông Nam Á hơn 30 năm, chứng kiến các bước thăng trầm trong quan hệ giữa các nước và tiếp xúc với các nhà ngoại giao của khu vực, tôi hiểu được nguyện vọng của các nước trong khu vực rất phù hợp với nguyện vọng của chúng ta là được chung sống hòa bình, hợp tác để cùng nhau phát triển. Với trách nhiệm là Đại sứ của nước ta tại Indonesia, tôi là một trong những người đã đề nghị Đảng và Nhà nước ta xem xét và quyết định để Việt Nam sớm gia nhập ASEAN.
Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã thấy rõ lúc này là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam sát cánh cùng các nước Đông Nam Á cùng nhau chung sức, chung lòng giữ gìn hòa bình, ổn định, cùng nhau hợp tác để xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực giàu mạnh và phồn vinh. Do đó, Đảng và Nhà nước ta quyết định chuẩn bị để Việt Nam gia nhập ASEAN.
Tháng 6/1992, tôi được ủy nhiệm thay mặt Chính phủ Việt Nam trao thư của Chính phủ ta cho ông Ajit Singh, Tổng Thư ký ASEAN tại trụ sở ở Jakarta, bày tỏ Việt Nam mong muốn được tham gia làm quan sát viên của ASEAN. Đây là một bước chuẩn bị cần thiết để Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995.
Việc Đảng và Nhà nước ta quyết định Việt Nam tham gia ASEAN là một quyết định sáng suốt, kịp thời và đúng đắn, để nước ta có điều kiện hội nhập sâu rộng ở khu vực và trên thế giới, tạo cho thế và lực của nước ta nói riêng và của ASEAN nói chung được tăng cường và có thêm sức mạnh để ASEAN đóng vai trò là trung tâm và trụ cột trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn của các quốc gia trong ASEAN cũng như giữ vững hòa bình, an ninh ở khu vực này, cùng nhau hợp tác để xây dựng một Đông Nam Á phồn vinh và nhân dân các nước trong khu vực được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Bước đột phá để đoàn tụ
Việc Việt Nam tham gia ASEAN là một bước đột phá để sớm hình thành ASEAN bao gồm tất cả mười nước ở khu vực. Ngày 30/4/1999, Vương quốc Campuchia là nước cuối cùng trong mười nước ở Đông Nam Á trở thành hội viên chính thức của ASEAN.
Từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, kể cả những lúc làm Chủ tịch luân phiên hay đại diện của ASEAN đối thoại với các đối tác ở ngoài khu vực, Việt Nam luôn luôn thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu tìm hiểu tình hình, lắng nghe thấu đáo ý kiến của các thành viên, để trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp đạt hiệu quả cao, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững đoàn kết trong ASEAN. Việt Nam cũng góp phần tạo thành sức mạnh của toàn khối để giải quyết tốt, có hiệu quả mọi hoạt động của ASEAN, đặc biệt là những vấn đề có liên quan để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên và hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, nhất là tình hình ở Biển Đông.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nêu ra những giải pháp then chốt để bảo đảm vai trò ASEAN là trung tâm của các cấu trúc khu vực đã được hình thành; đóng góp định hướng cho hoạt động có tính chất lâu dài để xây dựng ASEAN ngày càng vững mạnh trên cả ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ cao trong việc hoàn thành các chương trình, hành động trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009 - 2015, để chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Đại sứ Đỗ Ngọc Dương
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Afghanistan và Indonesia
(Theo Thế giới và Việt Nam)
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm
15:51 | 25/02/2022(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020
19:02 | 11/12/2020(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.