Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV, XV (từ 14/11/2013 đến 5/1/2023)

Phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị tổng kết 10 năm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài

18:20 | 25/02/2020

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2020.

- Kính thưa đ/c Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội,

- Thưa đồng chí Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao,

- Thưa toàn thể các đồng chí,

Thay mặt Chính phủ và Bộ Ngoại giao, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương và các vị đại biểu đã tới dự Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.

Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay là hoạt động rất có ý nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng vừa kỷ niệm 90 năm thành lâp Đảng Cộng sản Việt Nam, đang chuẩn bị cho nhiều hoạt động kỷ niệm lớn khác trong năm nay như: 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, v.v... Đồng thời, các cơ quan, ban ngành, địa phương đang khẩn trương chuẩn bị đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc tổng kết, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong một thập kỷ qua cũng góp phần thiết thực để thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, các Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đối với ngành ngoại giao.

Thưa các đồng chí,

Như chúng ta đều biết, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Nghị quyết cũng khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại; kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc.

Việc UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nhiều hình thức tôn vinh, công nhận rộng rãi khác của cộng đồng quốc tế đối với công lao, đóng góp của Bác mang lại sự tự hào to lớn đối với Đảng và nhân dân ta; đồng thời đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ rất lớn là làm sao để cho giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu biết nhiều hơn đến đất nước Việt Nam anh hùng, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, yêu chuộng hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhằm phát huy ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO, cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã thông qua các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” do Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, quý báu của nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài ngày càng bài bản, đạt hiệu quả cao, phù hợp với tình hình quốc tế và quan hệ của đất nước ta với các nước trong bối cảnh mới.

Kể từ năm 2009, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thành các nội dung, kế hoạch, hoạt động của các bộ, ngành, địa phương liên quan và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong ngành Ngoại giao, việc triển khai thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung rất quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa - một trong các trụ cột của công tác đối ngoại, bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Các nội dung về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được chú trọng lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại đối ngoại cấp cao, các sự kiện quảng bá văn hóa, tuyên truyền đối ngoại, v.v...

Có thể nói một cách khái quát, việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, người dân trong nước và đặc biệt là bạn bè quốc tế, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả quảng báo hình ảnh đất nước ta trên thế giới. Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp phát huy điểm đồng giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, giúp Việt Nam và đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.

Thưa các đồng chí,

Trong điều kiện hiện nay và trong những năm tới, khi tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này vừa để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng đất nước Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như ước nguyện của Bác; vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam - đất nước Hồ Chí Minh với lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình, thắm tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh cho chính nghĩa, cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng chung của nhân loại.

Việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây mới là những thành quả bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để triển khai hoạt động quan trọng này một cách hiệu quả hơn nữa trong tình hình mới, đặc biệt là củng cố tính bền vững và bảo đảm sự lan tỏa rộng rãi của thành quả đã đạt được.

Với tinh thần đó, tại Hội nghị hôm nay, tôi đề nghị chúng ta tập trung thảo luận và phân tích kỹ một số vấn đề lớn sau:

- Trước hết, trên cơ sở rà soát các nội dung của các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá toàn diện và thực chất tình hình triển khai trên thế giới về phạm vi, đối tượng, chất lượng hoạt động, sản phẩm hoàn thành; xác định các kết quả cả về định lượng và định tính. Cần làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong quá trình thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian qua, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

- Thứ hai, cần đánh giá kỹ tình hình, bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, trên cơ sở đó xác định các nội dung của hoạt động cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Cần chú trọng phân tích sự thay đổi về môi trường quốc tế (như sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, mạng xã hội...), đối tượng tuyên truyền (chẳng hạn như thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn, nhưng sự hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam có thể giảm đi so với trước đây...).

- Thứ ba, từ kết quả đạt được và yêu cầu nhiệm vụ, cần đề xuất, kiến nghị các biện pháp để triển khai tốt hơn các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, kể cả về chủ trương/chính sách, cũng như về các hoạt động cụ thể, trong đó cần chú trọng đến việc đổi mới từ cách làm, nội dung, sản phẩm, đổi mới các cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá để nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa và củng cố tính bền vững của các kết quả đạt được. Trong vấn đề này, chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tôn vinh các danh nhân nước ngoài.

- Thứ tư, vấn đề hết sức quan trọng là phải xác định được nhiệm vụ cụ thể (hay nói cách khác là sự phân vai rõ ràng) giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần làm rõ lợi thế, thế mạnh của các kênh (như đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện, đối ngoại quốc phòng/an ninh; các kênh chuyên gia/học giả, v.v...), trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ và nguồn lực cần thiết nhằm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cao nhất.

Thưa các đồng chí,

Kết quả triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” trong 10 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng ta về tăng cường phổ biến, tuyên truyền và phát huy các giá trị vĩ đại về tư tưởng, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh cả ở trong và ngoài nước. Việc thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng góp phần quan trọng vào các thành tựu chung của công tác đối ngoại, nhất là về tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay sẽ phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ để cùng nhau góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng nêu trên trong tình hình mới.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.

Bài phát biểu
Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

15:51 | 25/02/2022

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", diễn ra tại Hà Nội ngày 25/2/2022.

Các nguồn khác
Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Những bài học quý từ thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020

19:02 | 11/12/2020

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực”.